Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã trắng trợn xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Chúng rêu rao rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam “nhu nhược”, “làm ngơ” trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; “chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc quân sự thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc”; Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam “không đủ năng lực và không đủ quyết tâm để bảo vệ chủ quyền biển, đảo”… Những luận điệu này là hoàn toàn sai trái, bịa đặt. Đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái trên vừa bảo vệ chủ trương, đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đoàn công tác thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa. Ảnh: Quang Thái
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Đại hội xác định: “Toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”[1]. Quan điểm, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng là định hướng để Đảng xác định nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm 1986-1990 là: “Tăng cường tổ chức bảo vệ chủ quyền và giữ vững các tuyến biên giới, vùng trời, vùng biển và hải đảo”[2].
Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, ngày 30-11-1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 06 NQ/TƯ về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tăng cường sự có mặt của Việt Nam ở Biển Đông và Trường Sa. Bước sang thế kỷ XXI, mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển, đảo được Đảng nhận thức ngày càng toàn diện hơn. Nếu như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 khẳng định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”[3], thì đến Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX và sau đó là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, Đảng chỉ rõ: Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa không những bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ XI, lần đầu tiên Đảng đã đưa vấn đề “giữ vững chủ quyền biển đảo” vào nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, khi xác định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời...”[4].
Cùng với những quan điểm, chủ trương đúng đắn trên, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chỉ rõ: Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Đây là sự phát triển vượt bậc trong tư duy lãnh đạo đất nước theo phương châm hướng ra biển của Đảng và cũng là sự chuyển biến có ý nghĩa quyết định đến thành công của toàn bộ quá trình phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhận thức của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với công cuộc phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững. Tuy nhiên, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ chủ quyền biển, đảo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền thiếu thường xuyên, quyết liệt. Chính sách, pháp luật về biển chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; một số chủ trương lớn của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời... Trước bối cảnh đó, để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đề ra chủ trương:
1. “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc...”[5].
2. “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là nòng cốt...; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo”[6].
3. “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”[7].
4. “Thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường xây dựng các khu kinh tế biển, xây dựng các chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện cho việc phòng thủ, bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển”[8].
5. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời; vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”[9].
Thực tiễn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc
Thực tiễn chủ trương, đường lối về bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng nâng cao nhận thức chính trị của mình về vị trí, vai trò của biển, đảo và chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đã xây dựng và hình thành một hệ thống các quan điểm, chính sách rõ ràng, nhất quán về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; đặc biệt là đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng trong xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam luôn diễn ra đúng phương châm, phương hướng và thu được những thành công nhất định. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân trên các đảo, quần đảo được bảo đảm, giúp nhân dân luôn phấn khởi, tin tưởng và sẵn sàng gắn bó với đảo.
Trong bất luận hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng luôn quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, Hải quân nhân dân Việt Nam và Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hơn nữa, với truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và những chiến công oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Hải quân và lực lượng Cảnh sát biển luôn vững vàng về lập trường, kiên định về lý tưởng, có tư duy sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu cao quyết tâm bảo vệ an ninh, an toàn biển, đảo của Tổ quốc. Điều này bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về sức mạnh và ý chí chiến đấu của Quân đội ta nói chung của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam và Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng.
Tựu trung lại, nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn được Đảng, Nhà nước, Quân đội ta và toàn dân đặc biệt coi trọng, đang được tiến hành một cách đồng bộ, bài bản, kiên quyết, kiên trì, kiên cường và khôn khéo. Những luận điệu xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo là không mới, nhưng rất nguy hiểm, bởi đây là vấn đề được dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái; khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo là yêu cầu bức thiết đặt ra nhằm bác bỏ mọi sự chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển bền vững, thịnh vượng như Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định.
Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thông
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá