Rối loạn tiền đình có chữa trị dứt điểm được không?

Thứ ba, ngày 14 tháng 2 năm 2023 | 9:42

Ngày càng có nhiều người bệnh mắc rối loạn tiền đình, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công việc văn phòng, ít vận động, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống. Vậy rối loạn tiền đình có chữa trị dứt điểm được không?

Bài viết tham khảo ý kiến chuyên môn từ Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng.

1. Rối loạn tiền đình là bệnh gì?

‏Rối loạn tiền đình có chữa trị dứt điểm được không?‏ - Ảnh 2.

Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng

Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra tình trạng mất thăng bằng tư thế do tổn thương liên quan đến hệ thống tiền đình.‏

‏Hệ thống tiền đình gồm những bộ phận nằm ở tai trong và não có chức năng giữ thăng bằng, duy trì tư thế, dáng bộ, đảm bảo phối hợp cử động giữa toàn thân, mắt và đầu.

Bởi vậy, bất cứ một tổn thương nào tại hệ thống này đều có thể làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiền đình, điển hình là chóng mặt, mất thăng bằng.‏

photo-1676278820018

Hệ thống tiền đình gồm những bộ phận nằm ở tai trong và não có chức năng giữ thăng bằng, đảm bảo phối hợp cử động giữa toàn thân, mắt và đầu.

‏Bệnh được chia thành 2 loại chính gồm: ‏

  • Rối loạn tiền đình ngoại biên: Chiếm đa số từ 90 – 95% trường hợp, do tổn thương phần tiền đình nằm ở tai trong, thường biểu hiện triệu chứng rầm rộ là cơn chóng mặt thoáng qua đột ngột.‏
  • ‏Rối loạn tiền đình trung ương: Dạng này ít gặp, do tổn thương ở nhân tiền đình nằm ở trong não, các triệu chứng không rầm rộ như rối loạn tiền đình ngoại biên.‏

‏Vậy rối loạn tiền đình có chữa trị dứt điểm được không? Trả lời phỏng vấn với Báo Sức khỏe và đời sống, Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng cho biết, rối loạn tiền đình không phải là bệnh nguyên phát mà là hậu quả của các bệnh khác, do các nguyên nhân sau đây:‏

  • Do thiếu máu não, khiến lượng máu cung cấp cho cơ quan tiền đình bị giảm sút.‏
  • ‏Tổn thương dây thần kinh tiền đình ốc tai (dây số 8): U dây thần kinh số 8, viêm dây thần kinh số 8 do virus.‏
  • ‏Tổn thương tai: Viêm tai trong, tai giữa do vi khuẩn hoặc virus, bệnh Mernier… hoặc nhiễm độc tai do thuốc.‏
  • ‏Bất thường về mạch máu não, u não, sau đột quỵ..‏
  • ‏Do các bệnh mạn tính như đái tháo đườngtăng huyết áp, suy tuyến giáp… ‏

‏Các yếu tố nguy cơ của bệnh rối loạn tiền đình:

  • ‏Tuổi tác cao, những người lớn tuổi (từ 40 tuổi trở lên) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ. ‏
  • ‏Thường xuyên chịu áp lực tâm lý, căng thẳng, lo lắng quá mức.‏
  • ‏Sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích, thiếu ngủ, ít tập luyện thể thao, chế độ ăn uống không khoa học.‏
  • ‏Phụ nữ sau sinh, phụ nữ mang thai, bị mất nhiều máu, mất nước.‏

‏Để điều trị rối loạn tiền đình một cách triệt để, người bệnh cần đi khám để xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh, từ đó mới có phương pháp chữa trị phù hợp nhằm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh và tránh tái phát.‏

photo-1676278824019

Rối loạn tiền đình có thể gặp ở mọi lứa tuổi với các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn, đi đứng loạng choạng…

2. Các loại thuốc điều trị rối loạn tiền đình

‏BS. Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh, người bệnh rối loạn tiền đình không nên tự ý mua thuốc để điều trị vì có nhiều loại thuốc gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Dưới đây là một số loại thuốc rối loạn tiền đình thường sử dụng:

  • ‏Thuốc làm giảm chóng mặt, buồn nôn: Acetyl leucin (tanganil) là hoạt chất có tác dụng giảm các triệu chứng của rối loạn tiền đình như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn. ‏
  • ‏Nhóm thuốc tăng tuần hoàn máu não: piracetam (nootropil) có tác dụng tăng cường chuyển hóa glucose ở não, tăng khả năng chịu đựng của các tế bào thần kinh với tình trạng thiếu oxy; vinpocetin (cavinton) có tác dụng tăng cường vi tuần hoàn máu não, tăng cường chuyển hóa và bảo vệ các tế bào thần kinh.‏
  • ‏Thuốc làm tăng lượng máu đến tai trong: Betahistin làm tăng lượng máu đến tai trong bằng cách giãn các cơ tiền mao mạch, làm giảm tính thấm với các mao mạch vùng tai trong, đồng thời làm tăng lượng máu cung cấp cho não nói chung.‏
  • ‏Nhóm thuốc ức chế calci, giãn mạch não: Cinnarizin (stugeron), flunarizine (sibelium) có tác dụng phòng ngừa và điều trị triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình, giúp giảm đau nửa đầu, thiểu năng tuần hoàn não. Tuy nhiên, thuốc lại có thể làm gia tăng triệu chứng trầm cảm, buồn ngủ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tiêu hóa và gia tăng bệnh Parkinson ở người bệnh Parkinson.‏
  • ‏Nhóm thuốc làm tăng chuyển hóa tế bào thần kinh: Citicoline (somazina) có tác dụng kích thích sinh tổng hợp các phospholipid trên màng tế bào thần kinh, tăng tưới máu não, giúp chống tổn thương não, tăng cường chức năng dẫn truyền thần kinh.‏
  • ‏Thuốc bổ sung acid amin và peptid cho não: Cerebrolysin là hợp chất chứa các peptide và acid amin, được sản xuất từ protein tinh khiết ở não lợn bằng công nghệ sinh học, dựa trên phương pháp dùng enzyme cắt đoạn chuẩn hóa có kiểm soát. Cerebrolysin tăng cường và cải thiện chuyển hóa của các tế bào thần kinh, do đó ngăn chặn được hiện tượng nhiễm acid lactic trong thiếu oxy não hoặc thiếu máu não.‏
  • ‏Nhóm benzodiazepines: Diazepam (seduxen), clonazepam, bromazepam, lorazepam... là những thuốc có tác dụng an thần. Với liều lượng nhỏ, thuốc này cũng có tác dụng ức chế tiền đình. Tuy nhiên thuốc dùng lâu dài có thể gây nghiện, vì vậy cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh lạm dụng, lệ thuộc vào thuốc.‏
  • ‏Thuốc hỗ trợ tăng tuần hoàn máu não như ginkgo biloba chiết xuất là lá cây bạch quả, saponin có nhiều trong rễ cây đinh lăng…‏
photo-1676278827210

Người bệnh rối loạn tiền đình không nên tự ý mua thuốc để điều trị vì có nhiều loại thuốc gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.

3. Cần lưu ý gì khi điều trị rối loạn tiền đình

‏Việc phối hợp sử dụng thuốc trong điều trị rối loạn tiền đình cũng là vấn đề đáng lưu ý. BS. Nguyễn Huy Hoàng cho hay, trên thực tế nhiều người bệnh mắc rối loạn tiền đình có thể mắc kèm các bệnh lý mạn tính khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu hoặc các bệnh tim mạch… dẫn đến việc phải sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc. ‏

‏Khi gặp bác sĩ, người bệnh cần nêu rõ các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ cân nhắc về tương tác thuốc cũng như các tác dụng phụ có thể gặp phải. Hơn thế, khi sử dụng nhiều loại thuốc cũng làm gia tăng sức ép lên gan. Vì vậy, người bệnh nên giảm tải cho gan bằng cách bổ sung các loại thảo dược, thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ gan. ‏

‏Thay đổi lối sống là điều không thể thiếu trong điều trị rối loạn tiền đình. Để cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa tái phát, người bệnh nên chú ý đến các vấn đề sau:‏

  • ‏Hạn chế việc đi lại, lái xe, di chuyển bằng phương tiện giao thông và đến những nơi ồn ào đông đúc trong thời gian đang bị chóng mặt.‏
  • ‏Không uống rượu, bia, cà phê, không hút thuốc lá vì gây mất nước, co thắt mạch máu khiến tình trạng rối loạn tiền đình nặng hơn.‏
  • ‏Tránh căng thẳng tinh thần, hạn chế thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc và nên thư giãn bằng cách ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc nhẹ…‏
  • ‏Uống đủ 1,5 – 2,0 lít nước/ngày, nước sẽ ổn định chất lỏng trong cơ thể, ngăn ngừa triệu chứng chóng mặt do mất nước.‏
  • ‏Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B, omega-3, rau xanh, trái cây như ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, sữa, thịt gà, hải sản, đậu đỗ, nấm, trứng, cá thu, óc chó…‏
  • ‏Hạn chế không ăn nhiều muối, đường, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn.‏
  • ‏Tập thể dục thể thao đều đặn giúp tăng tuần hoàn cung cấp máu cho hệ tiền đình và giảm triệu chứng hoa mắt, chóng mặt.‏
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/