Số ca mắc COVID-19 mới tăng cao kỷ lục tại nhiều quốc gia
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.549.518 trường hợp mắc COVID-19 mới và 5.362 ca tử vong, trong đó tại nhiều quốc gia, số ca bệnh mới tăng cao kỷ lục.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/1/2022 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 297.276.940 ca, trong đó có 5.479.443 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.549.518 trường hợp mắc COVID-19 mới và 5.362 ca tử vong.
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 23/12/2021. Ảnh: THX
Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất với trên 800.000 ca, Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.800 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 256.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 33 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 5/1, thế giới có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Anh, tính đến 1h00 ngày 6/1 (theo giờ Việt Nam), Vương quốc Anh ghi nhận tổng cộng 13.835.334 ca mắc COVID-19, trong đó có 149.284 trường hợp tử vong và 10.567.672 bệnh nhân bình phục.
Số liệu chính thức của chính phủ Anh công bố ngày 5/1 cho thấy, cứ 20 người thì có hơn 1 người mắc COVID-19. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát tại "xứ sở sương mù".
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ước tính có khoảng 3,7 triệu người Anh mắc COVID-19 trong tuần cuối cùng của năm 2021, so với 2,3 triệu người vào tuần trước, khi làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang lan nhanh trên toàn quốc.
Theo ONS, tỷ lệ các ca mắc COVID-19 mới tiếp tục tăng ở tất cả các nhóm tuổi trong tuần kết thúc vào ngày 31/12/2021, trong đó tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh niên. Thủ đô London ghi nhận tỷ lệ mắc cao nhất, với tỷ lệ 1/10. Tại vùng England, ước tính cứ 15 người trong cộng đồng thì có một người mắc COVID-19. Tại Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, nơi áp dụng trở lại một số hạn chế phòng dịch trong những tuần gần đây, tỷ lệ thấp hơn một chút, ở mức 1/20 đến 1/25.
Các số liệu trên được đưa ra khi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nới lỏng các quy định xét nghiệm đối với những người mắc COVID-19 không triệu chứng ở vùng England. Theo đó, kể từ ngày 11/1, những người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng sẽ phải tự cách ly ngay lập tức mà không cần xét nghiệm PCR. Quy định này cũng sẽ được thực hiện tại Scotland và xứ Wales từ ngày 6/1.
Tại Argentina, ngày 5/1, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát với 95.159 trường hợp dương tính mới.
Trước đó một ngày, Argentina cũng lần đầu tiên xác định số ca nhiễm mới trong ngày lên tới 81.210 trường hợp, cao gần gấp đôi so với con số trong ngày cao nhất của tuần trước. Đến nay Argentina đã ghi nhận tổng cộng hơn 5,9 triệu ca mắc COVID-19.
Ngoài ra, Bộ Y tế Argentina cũng cho biết đã có 52 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua và là con số cao nhất kể từ ngày 12/10/2021, đưa tổng số người tử vong do COVID-19 kể từ đầu dịch đến nay lên 117.346 trường hợp.
Theo lý giải của giới chức y tế Argentina, số lượng ca nhiễm mới tăng mạnh trong thời gian vừa qua rơi vào đúng giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Hè ở Nam Bán cầu và hàng trăm nghìn người đã di chuyển tới các điểm du lịch trên cả nước khi các biện pháp hạn chế hầu như đã được dỡ bỏ.
Điểm mới duy nhất trong các biện pháp phòng chống dịch là việc Chính phủ Argentina yêu cầu bắt buộc kể từ ngày 1/1 phải xuất trình giấy chứng nhận hoàn tất tiêm chủng đối với những người tham gia các hoạt động được cho là có “nguy cơ dịch tễ” như các sự kiện đông người tại các điểm công cộng trong nhà và ngoài trời
Mặc dù vậy, Chính phủ Argentina vẫn không có ý định siết chặt các biện pháp hạn chế như trước đây vì cho rằng đa phần các ca nhiễm mới đều ở thể nhẹ và đều tự khỏi bệnh sau thời gian cách ly. Trong khi đó, số ca bệnh nặng phải điều trị tích cực vẫn ở mức thấp so với trước đây và không gây ảnh hưởng tới hệ thống y tế quốc gia.
Một lý do nữa được Bộ Y tế Argentina đưa ra là do kết quả tích cực của chương trình tiêm chủng đại trà. Theo đó, đã có 38,3 triệu trong tổng số 45 triệu người dân Argentina đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 33 triệu người đã hoàn tất tiêm chủng. Ngoài ra, đến nay cũng đã có 3,6 triệu người được tiêm mũi vaccine tăng cường trong chương trình được áp dụng theo lộ trình từng độ tuổi.
Tại Nhật Bản, số ca mắc mới COVID-19 ngày 5/1 đã vượt 2.000 ca lần đầu tiên trong 3 tháng qua, gây quan ngại về làn sóng dịch mới trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh.
Số ca lây nhiễm ở Nhật Bản đang gia tăng kể từ khi một ổ dịch tại một căn cứ của Mỹ tại Okinawa được phát hiện hồi tháng 12/2021. Chính quyền Okinawa cho rằng đợt tái bùng phát dịch tại tỉnh là do biến thể Omicron lây lan từ các căn cứ quân sự. Số ca nhiễm biến thể Omicron tại Okinawa tính đến ngày 4/1 là 135 ca.
Tại Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết chính phủ trung ương sẽ xem xét ngay lập tức áp đặt các biện pháp khẩn cấp tại Okinawa nếu được yêu cầu.
Trong khi đó, thủ đô Tokyo ghi nhận 390 ca mắc mới trong ngày, mức cao nhất trong 3 tháng, lần đầu tiên vượt mức 300 ca kể từ ngày 26/9/2021. Tờ Sankei dẫn một số nguồn tin cho biết chính quyền Tokyo có thể đề nghị Chính phủ Nhật Bản tái áp đặt các biện pháp khẩn cấp gồm giới hạn giờ mở cửa các nhà hàng và quán rượu, vốn đã được dỡ bỏ hồi tháng 9/2021.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/so-ca-mac-covid-19-moi-tang-cao-ky-luc-tai-nhieu-quoc-gia-post176024.html
- Serbia kiên quyết từ chối trừng phạt Nga bất chấp sức ép từ Đức
- Nga tự tin trụ vững trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây
- Cai dầu, châu Âu vẫn nhận khí đốt từ Nga?
- Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
- Dự báo có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024
- Phương Tây chia rẽ về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine
- Đại sứ Nga bỏ họp LHQ giữa chừng vì phát biểu của châu Âu
- Tổng thống Biden xem xét nới lỏng thuế quan với Trung Quốc
- Chủ tịch Liên minh châu Phi kêu gọi giải phóng ngũ cốc khi gặp ông Putin