Sự nghiệp đổi mới thực hiện di nguyện “Không ngừng nâng cao đời sống nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ sáu, ngày 30 tháng 8 năm 2024 | 8:20

Trong Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Sự nghiệp đổi mới đến nay đã trải qua gần 40 năm (1986-2024) với nhiều thành tựu, góp phần quan trọng không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, từng bước thỏa di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Triển lãm sách “Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Triển lãm sách “Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”. Tự do cho Tổ quốc, độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân là tất cả những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn, tất cả những gì Người làm.

Nhân dân là mục tiêu, lý tưởng của Hồ Chí Minh, của sự nghiệp cách mạng không mang tính nhất thời, không là một thủ đoạn, sách lược chính trị mà là vấn đề có tính chiến lược được duy trì và phát triển theo hướng không ngừng củng cố, bổ sung, phát triển.

Mục tiêu, lý tưởng vì nhân dân trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, ngọn hải đăng dẫn đường cho toàn bộ quan điểm và hành động của Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhiều nghiên cứu cho rằng, mục tiêu, lý tưởng đó tựu trung lại trong năm mệnh đề mà sự xuất phát đều ở nhân dân, được gọi là "Ngũ dân": Dân tộc độc lập; Dân quyền tự do; Dân sinh hạnh phúc; Dân trí nâng cao; Dân chủ thực hành.

Chiều hướng phát triển của cách mạng Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc là tiến lên chủ nghĩa xã hội nhằm ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đời sống của nhân dân là bộ mặt của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với tinh thần "Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân", Đại hội VI (1986) xác định các mục tiêu kinh tế-xã hội đầu tiên cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên quá độ lên chủ nghĩa xã hội là “Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy”. Trong nhiều năm tiếp theo, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được xem là mục tiêu, nhiệm vụ trung tâm.

Từ thực tiễn đổi mới, Đảng đề ra năm bài học lớn, trong đó “...đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân,...” được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa được tạo nên bởi mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu...”Đại hội XIII khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”.

 

Với nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đổi thay từng ngày, đời sống nhân dân từ thiếu thốn, khó khăn đã được cải thiện rõ rệt, vươn lên dư giả, giàu có.

Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, Việt Nam là một trong ba nước xuất khẩu sản lượng gạo lớn nhất thế giới. Hàng hóa và các nhu yếu phẩm dồi dào đáp ứng tốt đời sống của nhân dân. Hoạt động văn hóa đa dạng, phát triển mạnh mẽ hệ thống thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa được đẩy mạnh. Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển về quy mô, đa dạng hóa về các loại hình trường lớp từ mầm non đến cao đẳng, đại học.

Mức sống của nhân dân ngày càng tiệm cận với mặt bằng thế giới. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả, mở rộng mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, khống chế và đẩy lùi một số dịch bệnh nguy hiểm; tuổi thọ trung bình tăng vượt tuổi thọ trung bình của thế giới.

Nhìn chung, sau gần 40 năm đổi mới, “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân từ miền xuôi tới miền ngược, từ nông thôn tới thành thị, đều có sự thay đổi rõ rệt. Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về không ngừng nâng cao đời sống nhân dân luôn thấm đẫm trong đường lối và thực tiễn đổi mới gần nửa thế kỷ qua.

"Nhân dân luôn là tâm điểm của quá trình tư tưởng Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Người đối với nhân dân không bị giới hạn trong các ranh giới địa lý. Mục đích của Người không chỉ là giải phóng đất nước mình khỏi sự thống trị ngoại bang mà trong chiều sâu tư tưởng của mình, bên cạnh mục đích giành độc lập dân tộc, Người còn mong ước đến sự công bằng, bình đẳng và no ấm cho nhân dân mình" (Geetesh Sharma-Chủ tịch điều hành Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam). Hồ Chí Minh là "người mà trong lời nói và việc làm của mình luôn nhấn mạnh đến độc lập và phúc lợi của nhân dân". Đó chính là bản chất tạo nên giá trị vĩnh hằng của tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng đang được soi đường.