Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Ban hành luật mới hay nghị định?

Thứ tư, ngày 2 tháng 3 năm 2022 | 16:49

Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, nhiều ý kiến mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét việc giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tuy nhiên, hiện không rõ hướng Bộ Tài chính đề xuất ban hành luật mới hay nghị định.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN).

Theo Bộ Tài chính, với thuế TNCN, nội dung rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh,...

sua luat thue thu nhap ca nhan ban hanh luat moi hay nghi dinh hinh 1

Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, nhiều ý kiến mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét việc giảm thuế TNCN.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều thứ tăng giá, từ giá xăng, giá dầu, giá gas, cho tới các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống đều tăng. 

Tuy nhiên, ngược lại, hệ số lương, bậc lương lại giữ nguyên, không tăng. Như vậy, người làm công ăn lương sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho cuộc sống, thu nhập của họ sẽ không được đảm bảo như trước. Do đó, Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho rằng, việc Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi thuế TNCN là hợp lý.

“Nếu như trước dịch, một lít xăng có giá khoảng 21.000 - 22.000 đồng, thì nay đã tăng lên gần 27.000 đồng/lít. Như vậy, sức mua thực tế của người dân đã không được như trước nữa. Lạm phát tăng, đồng tiền mất giá, giảm thuế là điều cần phải làm để đảm bảo thu nhập thực tế cho người dân”, ông Vinh nói.

Trong khi đó, GS.TS Đặng Đình Đào,  nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: Nếu đặt trong bối cảnh không có dịch bệnh, thì mức thuế TNCN hiện nay là phù hợp, và chỉ có đối tượng có thu nhập cao mới phải chịu thuế.

Thế nhưng, thực tế trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống - xã hội, tác động trực tiếp vào thu nhập của nhiều người, vì vậy, việc Bộ Tài chính lấy ý kiến về việc sửa thuế TNCN là điều cần phải làm.

 

“Hiện nay, Bộ Tài chính mới chỉ lấy ý kiến về việc điều chỉnh thuế TNCN, chưa rõ sẽ tăng hay giảm. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế hiện nay, tôi cho rằng các ý kiến đều đồng thuận điều chỉnh thuế TNCN giảm”, ông Đào nói.

Dù vậy, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, Bộ Tài chính nên tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, điều chỉnh thuế TNCN, thay vì ban hành luật mới.

Bởi vì, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tuy lớn, nhưng nó chỉ mang yếu tố ngắn hạn. Chắc chắn kinh tế sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới, thu nhập của người dân cũng từng bước cải thiện.

“Ban hành nghị định có thời hạn ở thời điểm này là hợp lý. Trong trường hợp kinh tế ổn định trở lại, Bộ Tài chính có thể quay về thi hành Luật thuế TNCN như cũ”, GS.TS Đặng Đình Đào phân tích.

Năm 2021, Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19. 

Vì vậy, một số kiến nghị cho rằng, Bộ Tài chính nên xem xét, trình Chính phủ việc giảm từ 30% - 50% thuế TNCN trong 2 năm 2022 - 2023 cho người làm công ăn lương để đỡ gánh nặng thuế.

Không chỉ thuế TNCN, Bộ Tài chính còn lấy ý kiến sửa đổi 5 loại thuế quan trọng khác, bao gồm Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế tài nguyên.

Theo Congluan.vn

https://congluan.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-ban-hanh-luat-moi-hay-nghi-dinh-post183654.html