Sức công phá của những "quả bom" tin đồn
Hầu hết chúng ta, không riêng gì những người đang đầu tư cổ phiếu, thường vẫn luôn hứng thú với những tin đồn như vậy.
Tin đồn luôn có sức hấp dẫn lớn với số đông đại chúng. Phàm điều gì đang trong trạng thái hư hư thực thực, nửa kín nửa hở cũng đều kích thích sự tò mò. Đồng thời, việc biết trước thông tin lại có vẻ như mang cho ta cái cảm giác "thông thái" hơn, tựa như một người thạo tin vậy.
Thực tế cho thấy, nhu cầu thông tin đối với một "con người xã hội" trở nên bức thiết không kém cơm ăn nước uống hàng ngày, thậm chí, người ta có thể quên ăn quên uống để truy cập tin tức. Tin càng "nóng hổi" càng hút người xem.
Trên thị trường chứng khoán, tin đồn lại gần như là một thứ đặc sản. Nào là tin người nhà lãnh đạo gom mua cổ phiếu, người nội bộ bán ra, doanh nghiệp đang có ý định M&A, rồi đến tin đồn "book" lợi nhuận, tin xử phạt, tin đồn ra dự án, tin đồn "đội lái" đánh lên đánh xuống... Tin đồn có vẻ "có giá trị" hơn với giới đầu tư (đặc biệt là đầu tư lướt sóng) vì người có thông tin trước sẽ hưởng lợi thế về giá mua vào, bán ra. Vì vậy mà chứng khoán có một trường phái đầu tư gọi là "đánh theo tin", đồng thời, cơ quan quản lý cũng rất "kỵ" các giao dịch nội gián.
Ở thị trường chứng khoán Việt Nam - một thị trường còn non trẻ - nhưng các tin đồn cũng muôn hình muôn vẻ. Bên cạnh các tin đồn có tính "rò rỉ" tích cực thì sức công phá của những tin đồn bất lợi cũng vô cùng khủng khiếp, đặc biệt với tin bắt bớ lãnh đạo doanh nghiệp.
Tối 27/3, chỉ một tin đồn về ông Trịnh Văn Quyết chưa rõ thực hư ra sao mà ngay hôm sau đó, cổ phiếu "họ" FLC đã bị bán tháo, hơn 230 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn. Hiệu ứng bán tháo cũng khiến hàng loạt mã cổ phiếu bất động sản khác giảm giá la liệt.
Trước đó, thị trường nhiều lần chao đảo về những tin đồn rò rỉ việc bắt bầu Kiên, bắt lãnh đạo VNCB, bắt Hà Văn Thắm... Đầu năm 2013, khi xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt cùng lúc với tin đồn Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng 2-3%, thị trường chứng khoán cũng lập tức lao dốc, bốc hơi cả nghìn tỷ đồng vốn hóa. Sau đó, BIDV bác bỏ tin đồn, những người phát tán tin đồn bị phạt hành chính, thậm chí một số cá nhân bị cơ quan công an bắt giữ.
Đã là tin đồn thì sẽ có xác suất trúng, trượt. Có tin đồn sau đó thành sự thật, có tin đồn hoàn toàn là bịa đặt, vô căn cứ. Tuy vậy, tâm lý chung của người tiếp nhận khi một tin đồn nào đó xuất hiện là sẽ lập tức "chụp lấy" rồi liên hệ đến các tin đồn đúng trong quá khứ để có "điểm tựa" mà tin vào. Nhưng thực tế cũng có vô số tin đồn thất thiệt và ác ý mà người tung tin bị xử lý (như vụ đồn thổi ông Lê Hải Trà - Tổng giám đốc HoSE - bị bắt cuối năm 2021 chẳng hạn; hay tình huống tương tự với ông Đặng Thành Tâm từ nhiều năm về trước).
Chứng khoán vốn vận hành dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư, chính vì vậy giá cổ phiếu rất "nhạy" với tin tức. Một tin đồn đưa ra có thể sẽ tác động mạnh đến tâm lý của người tham gia thị trường. Nếu hoảng loạn xảy ra, tất yếu sẽ dẫn đến hành động bán tháo, vốn hóa thị trường bốc hơi chóng vánh, giá trị tài sản ròng (NAV) nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Không ít người cay đắng vì lãi tích lũy cả năm bị cuốn trôi hoàn toàn sau vài phiên lao dốc.
Một tin đồn bâng quơ, tưởng là vô thưởng vô phạt nhưng có thể tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ. Do vậy, tin đồn dù đúng hay sai thì sự úp mở thông tin cũng vô cùng nguy hiểm. Cá nhân tôi cho rằng, khi tin đồn xuất hiện thì người trong cuộc, các bên liên quan cần có trách nhiệm lên tiếng với công luận trước tiên: xác nhận hoặc phủ nhận. Thông tin phản hồi càng nhanh chóng, kịp thời càng cho thấy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đó với công chúng và với chính bản thân mình. Đặc biệt, đã là doanh nghiệp niêm yết lại càng cần phải có trách nhiệm với quyền lợi cổ đông.
Bên cạnh đó, với những trường hợp tung tin đồn thất thiệt, làm nhiễu loạn thị trường, cần xử phạt nghiêm và mức phạt phải mang tính răn đe. Xét ở một góc độ nào đó, việc tung tin sai là một hành vi phá hoại nền kinh tế.
Về cơ bản, tin đồn khi chưa xảy ra thì chưa thể tác động ngay đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng với chứng khoán, giá cổ phiếu thường đi trước. Để ứng xử với tin đồn, nhà đầu tư nên xem lại định giá của cá nhân về doanh nghiệp để quyết định việc bán ra, nắm giữ hay gia tăng.
Trong trường hợp doanh nghiệp hoặc lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì vi phạm nào đó (xử lý hành chính, hoặc thậm chí là xem xét trách nhiệm hình sự) thì cũng chưa hoàn toàn là tin xấu, có thể nhìn theo chiều hướng tích cực hơn. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch, thanh lọc thị trường, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Vậy, sao ta phải hoảng loạn và bán tháo, bán bất chấp, bán bằng mọi cách?
Nhìn lại quá khứ, dẫu đã có rất nhiều biến cố, nhiều cú sốc xảy ra do tin đồn thì thị trường vẫn đi lên, liên tục chinh phục đỉnh mới. Câu chuyện đầu tư, vì thế, nhiều khi không chỉ tính bằng thời gian T+3 mà cần tính bằng quý, bằng năm, tính đường dài.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/suc-cong-pha-cua-nhung-qua-bom-tin-don-20220328224132676.htm
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu