Tắm khuya khi trời lạnh, nhiều người phải nhập viện vì đột quỵ
Những ngày thời tiết giá lạnh gần đây, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 tiếp nhận liên tiếp các bệnh nhân bị đột quỵ, gia tăng so với mùa đông năm ngoái. Thói quen tắm khuya trở thành nguyên nhân gây ra đột quỵ.
heo tin từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108, thời gian gần đây, bệnh viện này liên tục tiếp nhận các bệnh nhân đột quỵ.
Bệnh nhân đột quỵ được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Các chuyên gia cho biết, thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến cả đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, thói quen tắm khuya - một vấn đề phổ biến ở Việt Nam đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc.
Điển hình là trường hợp của bệnh nhân Đ.V.Đ. (45 tuổi, Hà Nội). Nam bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý nhưng đột ngột phải đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê.
Thông tin từ người nhà cho hay, bệnh nhân có tắm khuya trước đó. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não nên được chỉ định phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não. Hiện tại bệnh nhân vẫn phải điều trị tích cực, duy trì thở máy, tiên lượng rất nặng.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.X.K. (42 tuổi, Hải Dương). Sau khi tắm đêm, bệnh nhân đột ngột đau đầu, ý thức chậm dần đi vào hôn mê. Người bệnh được sơ cứu tuyến trước, chuyển đến Bệnh viện trung ương Quân đội 108 giờ thứ 3 nhưng do tổn thương đột quỵ chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu không còn khả năng cứu chữa.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, khoa Cấp cứu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) nhận định, cả 2 trường hơp trên đều còn khá trẻ, không có bệnh lý mạn tính nhưng xảy ra tai biến sau khi tiếp xúc lạnh đột ngột, từ đó để lại hậu quả nặng nề.
Theo các bác sĩ, hiện tượng co thắt mạch máu và tăng huyết áp đột ngột thoáng qua sau khi tiếp xúc với lạnh, có thể gây vỡ mạch máu não. Do đó, đột quỵ xuất huyết não thường xảy ra cao nhất vào ngày đầu tiếp xúc với lạnh. Hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt của máu.
Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến hình thảnh cục máu đông, từ đó tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu não.
Để phòng ngừa bệnh, người dân cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh. Khi tham gia hoạt động thể chất, người dân nên mặc nhiều lớp áo, chỉ cởi bớt áo sau khi cơ thể ấm. Nếu đang hoạt động ngoài trời lạnh và thấy mình đổ mồ hôi thì cần nghỉ ngơi ngay, vào trong nhà và cởi bớt áo khoác. Người có tiền sử tăng huyết áp cần đo huyết áp định kỳ để để phòng biến chứng.
Theo các bác sĩ, dấu hiệu nhận biết đột quỵ cần nhớ nguyên tắc “FAST”, gồm:
F (Face - Mặt): Khuôn mặt lệch, tê hoặc yếu một bên.
A (Arms - Tay): Yếu hoặc không nâng được một bên tay.
S (Speech - Lời nói): Nói khó, nói lắp hoặc không hiểu lời nói.
T (Time - Thời gian): Cấp cứu ngay lập tức, vì thời gian vàng trong 6 giờ đầu quyết định hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các triệu chứng khác như: Đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thị lực hoặc mất thăng bằng đột ngột…
Khi phát hiện các dấu hiệu nêu trên cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Việc đưa người bệnh đến bệnh viện sớm giúp họ được điều trị kịp thời, hạn chế được các di chứng về sau.
- Lo ngại dịch sởi, cúm diễn biến phức tạp
- Phát hiện ung thư từ mụn đầu đen nhỏ xíu
- Trời lạnh, người trẻ cần cảnh giác với đột quỵ
- Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ dậy thì sớm
- Hà Nội: Có thêm 50 ca mắc sởi/tuần, nhiều trẻ phải thở máy
- Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?