Tăng cường dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân

Thứ năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024 | 8:13

Xác định vai trò quan trọng của Quy chế dân chủ ở cơ sở, ngày 7/1/2016, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Kết luận số 120-KL/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Sau hơn tám năm triển khai, dân chủ ở cơ sở không ngừng được tăng cường, mở rộng, góp phần phát huy vai trò của nhân dân trong triển khai các nhiệm vụ phát triển-xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Đội tình nguyện Đoàn Thanh niên xã Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cùng cán bộ xã hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh THANH TÂN)
Đội tình nguyện Đoàn Thanh niên xã Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cùng cán bộ xã hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh THANH TÂN)

Nghiêm túc, bài bản, sáng tạo

Bám sát chỉ đạo quan trọng tại Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương tập trung triển khai nghiêm túc việc cụ thể hóa các nội dung và nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Ban Bí thư Khóa XII ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 về “Hướng dẫn chung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung lãnh đạo Quốc hội thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện QCDC ở cơ sở.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp với nhiều cách làm sáng tạo.

Để đổi mới công tác tuyên truyền, bên cạnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin kịp thời, duy trì các chuyên trang, chuyên mục; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử, sử dụng mạng xã hội, Tỉnh ủy Bắc Kạn, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã kịp thời biên soạn tài liệu tuyên truyền, hỏi đáp về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để người dân biết và tham gia. Nghệ An, Đồng Tháp, Hải Phòng, Thái Nguyên đưa nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm; triển khai đăng ký xây dựng mô hình điểm về thực hiện dân chủ ở cơ sở, điểm sáng QCDC ở cơ sở, phát động phong trào thi đua thực hiện QCDC ở cơ sở.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện cũng được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp chú trọng. Nội dung giám sát chuyển hướng tập trung vào các vấn đề người dân quan tâm như: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải cách thủ tục hành chính...

Người dân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa quận Ðống Ða. (Ảnh Nguyên Bảo)

Tin liên quan

Chuyển biến rõ nét nhờ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, Ủy ban MTTQ các cấp ở cơ sở đã chủ trì, phối hợp giám sát được 307.311 cuộc; trong đó, cấp tỉnh 10.191 cuộc, cấp huyện 54.279 cuộc, cấp xã 242.841 cuộc. Đối với công tác phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 85.634 cuộc, trong đó cấp tỉnh 4.446 cuộc, cấp huyện 14.384 cuộc, cấp xã 66.804 cuộc. Qua giám sát, phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng ở các cấp trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá, việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy; bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng.

Chuyển biến tích cực từ cơ sở

Khảo sát từ nhiều địa phương, đơn vị cho thấy, các cấp ủy, chính quyền cơ sở luôn quan tâm thực hiện mở rộng thực hành dân chủ để người dân tham gia bàn bạc và quyết định những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của mình theo quy định.

Tại Thái Bình, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cấp ủy, chính quyền các cấp công khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến người dân như: Các dự án phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc quản lý, điều hành, thu chi tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, các khoản huy động nhân dân đóng góp, các khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội, chương trình vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo...

 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Giang, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, đây chính là chìa khóa khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Người dân góp sức, góp của cùng chính quyền đầu tư xây dựng, nâng cấp hàng trăm tuyến đường liên thôn, liên xã, giao thông nội đồng; hoàn thành nhiều công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn; tích cực tham gia phong trào “Thắp sáng đường quê”.

Thông qua việc giám sát đã kịp thời phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh; phát huy hiệu quả các tổ hòa giải ở cơ sở trong tư vấn, trợ giúp pháp lý, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ thôn xóm, khu phố.

Tại tỉnh Bình Phước, từ năm 2018 đến nay, các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 2.439 cuộc giám sát đối với 2.282 công trình; phát hiện và kiến nghị xử lý đối với 612 công trình sai phạm, thu hồi số tiền, hiện vật trị giá gần 300 triệu đồng.

Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức 1.968 cuộc giám sát, qua đó phát hiện, kiến nghị nhiều ý kiến đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền xã và đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.

Cùng đó, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác cải cách hành chính. Các mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” tại Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang, Long An, Quảng Ngãi… đã chuyển đổi cơ chế hoạt động chính quyền từ hành chính mệnh lệnh sang phục vụ, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ ngày càng đổi mới theo hướng sát dân, gần dân hơn với nhiều cách làm sáng tạo như các mô hình “Ứng dụng Zalo trong giải quyết thủ tục hành chính” (Cà Mau); “Ngày chủ nhật nông thôn mới” (Bến Tre); “Bàn viết hộ nhân dân” (Sóc Trăng)…

Việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân được các cấp ủy chính quyền, nhất là người đứng đầu các xã, phường, thị trấn quan tâm. Theo số liệu thống kê từ 39/63 tỉnh, thành, năm 2023: Bí thư cấp xã tiếp dân 54.485 cuộc, đối thoại 13.078 cuộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tiếp 108.924 cuộc, đối thoại 22.002 cuộc. Năm 2024, bí thư đảng ủy các xã, thị trấn tỉnh Lạng Sơn tiếp 14 cuộc, Hà Tĩnh tiếp 207 cuộc… Ngoài đối thoại định kỳ còn có các cuộc đối thoại đột xuất để lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân.

Đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đánh giá công tác đối thoại với nhân dân mang lại hiệu quả lớn trong thực hiện QCDC ở cơ sở vì đã góp phần giải quyết được những kiến nghị mà người dân quan tâm, tạo đồng thuận xã hội. Năm 2024, các cấp hội nông dân phối hợp với 49 tỉnh, thành phố thực hiện đối thoại với nông dân; từ đó, động viên, khuyến khích bà con nông dân hiến trên 4,3 triệu mét vuông đất, đóng góp hơn 9.140 tỷ đồng, hơn 2,1 triệu ngày công làm đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện QCDC ở cơ sở, các cấp ủy, chính quyền xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Các cơ quan nhà nước tăng cường cải cách hành chính, đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo tinh thần “kiến tạo”, “phục vụ”. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khuyến khích nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy “tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả” ■