Tăng cường giám sát, phản biện để đạt hiệu quả hơn

Thứ năm, ngày 9 tháng 11 năm 2023 | 16:25

Hơn 6 năm qua, bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã ăn sâu bám rễ, trở thành "kim chỉ nam", thành chiếc "barie mềm" về văn hóa với người dân Thủ đô. Dù vậy, việc thực hiện sao cho thường xuyên, liên tục thì vẫn cần phải có sự giám sát, phản biện tích cực từ chính những người trong cuộc để hiệu quả cao hơn.

Từ những việc nhỏ...

Mới 7h sáng, phía nhà bà Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) đã có tiếng khoan, đục, cưa sắt réo rắt ầm ĩ. Ngày cuối tuần, ai nấy đều muốn ngủ muộn thêm một chút, thư giãn sau một tuần làm việc mệt mỏi nhưng vì quá ồn ã nên đành phải kéo nhau dậy.

Vài người hiếu kì và không kiềm chế được sự bực dọc chạy sang nhà bà Minh xem. Hóa ra nhà bà đang sửa lại chỗ cửa sổ bị ngấm. Nhìn tường bong tróc, từng lớp vôi vữa lở loét rơi lả tả xuống nền nhà, cũng có người thông cảm bảo: "Phải sửa đi chứ thế kia ở sao được". Người khó tính thì nói sẵng: "Thì có ai bảo không sửa nhưng tránh cái ngày cuối tuần ra có được không. Thế này thì phải vài ngày mới xong. Mà kéo dài sang cuối tuần sau nữa thì bực thật".

Bà Minh rất ái ngại trước thái độ của hàng xóm, hết phân trần là lần lữa mãi mới dám sửa, không mượn được thợ, tranh thủ ngày nghỉ các cháu ở nhà còn trông nom, giám sát công trình... nhưng vẫn gặp phải sự khó chịu của những người xung quanh.

Giữ gìn không gian chung để khu dân cư được vui vẻ, hoà thuận
Giữ gìn không gian chung để khu dân cư được vui vẻ, hoà thuận (Ảnh minh hoạ)

Bà Hiên bày tỏ nỗi bức xúc: "Nhà tôi có cháu nhỏ, suốt đêm nó quấy khóc, vừa chợp mắt được tí thì ầm ĩ lên như vậy, cả bà lẫn cháu đều không thể nào ngủ nổi nữa. Tôi thì mệt mỏi, cháu bé thì lại khóc ầm lên. Bực ghê!".

Anh Lâm cũng kêu ca: "Cả tuần trẻ con đi học, có ngày cuối tuần cho nó vui chơi vận động ở trong ngõ thì bụi bay mù mịt, tiếng cưa sắt rin rít lên thế, rồi vật liệu vứt bừa ra ngoài đường, lại đành phải nhốt chúng nó trong nhà".

Cũng có nhiều người bày tỏ sự thông cảm và xuê xoa rằng nhà ai cũng có lúc cần phải sửa chữa, hàng xóm chịu khó vài ngày rồi sẽ xong nhưng tất cả các ý kiến trong xóm đều cho rằng: Cần phải làm muộn hơn và hạn chế những ngày cuối tuần.

Cả xóm thống nhất như vậy và cử đại diện sang nói chuyện với nhà bà Minh, bà vui vẻ đồng ý ngay. Điều này cũng được đưa ra bàn bạc, thảo luận và áp dụng cho tất cả những nhà trong ngõ và đạt sự đồng thuận cao.

Những hành vi này rất đáng phê phán
Những hành vi này rất đáng phê phán

Cũng với câu chuyện về sự tôn trọng, giữ gìn sự sạch sẽ cho không gian công cộng, tình trạng vứt rác, đỗ xe ô tô không đúng quy định, ở không gian chung nhưng trước cửa nhà người khác đó đây vẫn còn xuất hiện. Nhiều lần chị Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) phải "kêu trời kêu đất" thậm chí in giấy, dán lên chiếc xe ô tô "từ trên trời rơi xuống" đỗ lù lù trước cửa nhà mình khiến chị không ra không vào nhà được.

Tại nhóm các nhóm cư dân, tổ dân phố trên mạng xã hội, nhiều người, nhiều lần người dân phải đăng tải hình ảnh trích xuất camera "chỉ mặt đặt tên" người vứt rác hay đỗ xe trước cửa nhà mình, ở giữa ngõ, cản trở lối đi chung, gây tình trạng mất vệ sinh...

Sau mỗi lần như vậy, cùng với sự vào cuộc của tổ dân phố, tình trạng đã cải thiện khá nhiều và người dân bớt đi những phiền hà, khó chịu tại khu dân cư, nơi sinh sống của mình.

Hài hòa lợi ích cá nhân và tập thể

Hai ví dụ trên cho thấy, từ những việc nhỏ nhưng sẽ thành không nhỏ nếu mỗi người không tự nâng cao ý thức, biết lắng nghe và hài hòa lợi ích giữa cá nhân và tập thể.

Ai cũng lấy lí do vội, bận, không có ở nhà lúc kẻng để đổ rác đúng giờ; Ai cũng rình rình cứ thấy chỗ nào trống thì tống cái ô tô vào, đỗ tạm vài tiếng, đỗ qua đêm thì còn đâu là trật tự, còn đâu là văn minh.

Nỗi bức xúc về sự vô ý thức
Nỗi bức xúc về sự vô ý thức

Hãy thử đặt mình vào trường hợp người khác, buổi sáng mở cửa ra thấy một đống rác lù lù trước cửa, bốc mùi khó chịu; Chiều muộn hoặc sáng sớm không thể mở cửa nhà để đi ra, đi vào vì chiếc ô tô "không quen biết"... thì có muốn "tăng xông" không?

Bởi vậy, không chỉ tự mình ý thức để không làm những việc đó nhưng chính chúng ta, mỗi người cũng cần nâng cao cả thái độ giám sát, phản biện để hành vi ấy không còn được phép diễn ra.

Bạn Hà Vy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết sau khi dán dòng chữ cảnh báo đừng ai vứt rác trước cửa nhà mình nữa thì tình trạng này đã chấm dứt hẳn. Anh Minh Đức (Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ rằng sau nhiều lần gay gắt đăng ảnh chụp màn hình trích xuất camera lên mạng xã hội, tố cáo thủ phạm trong các cuộc họp tổ dân phố thì những đối tượng vứt rác, đỗ ô tô bừa bãi không còn dám "lộng hành" như trước.

Từ khi có “lời nhắn” này hành vi vứt rác sang nhà khác chấm dứt hẳn
Từ khi có “lời nhắn” này hành vi vứt rác sang nhà khác chấm dứt hẳn

Như vậy, rõ ràng nếu chúng ta ngại đấu tranh hoặc bàng quan trước những hành động đó, cho rằng chỉ là "xấu vặt" thì nó sẽ ngang nhiên diễn ra nhưng nếu chúng ta cùng nhau bày tỏ thái độ, đấu tranh thì việc này sẽ được cải thiện rất nhiều.

Tại các tổ dân phố, các khu dân cư, các phường xã trên khắp địa bàn Hà Nội đều có niêm yết bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Việc đôn đốc, nhắc nhở, triển khai các mô hình, kí kết tham gia cũng được triển khai quyết liệt, đồng bộ song đó đây vẫn còn một vài suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn. Vì thế, để việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao thì chúng ta nên phát huy tinh thần giám sát, đấu tranh để vì chính bản thân mình và cũng vì mọi người.

Bài và ảnh: Cẩm Tú