Tạo sức bật vững chắc cho kinh tế nông thôn

Thứ hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024 | 14:16

Xác định tâm thế năm 2024 là năm cuối cùng “chạy nước rút” phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của cả giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai hạ quyết tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (bên trái) khảo sát một hộ dân trồng tiêu cho năng suất cao ở huyện Cẩm Mỹ.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (bên trái) khảo sát một hộ dân trồng tiêu cho năng suất cao ở huyện Cẩm Mỹ.

Theo đó, các địa phương đang tăng tốc vượt qua thách thức, hoàn thành cho bằng được mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành quả chung của tỉnh cả nhiệm kỳ. Giải pháp căn cơ, bứt phá là đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo đảm phát triển an toàn, bền vững, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn. Bởi lẽ, không ngừng chăm lo cải thiện thu nhập cho người nông dân chính là tiêu chí cốt lõi nhất, cũng là mục tiêu cuối cùng mà cả hệ thống chính trị hướng đến trên hành trình xây dựng, nâng chất nông thôn mới.

Sức mạnh ý Đảng lòng dân tiếp tục đưa Đồng Nai tiến lên gặt hái thêm nhiều thành quả ấn tượng xây dựng nông thôn mới. Nổi bật phải kể đến tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao đang được các địa phương tập trung nhanh, mạnh hơn bao giờ hết.

Đến nay, đã có 2 địa phương về đích huyện nông thôn mới nâng cao, cụ thể: Xuân Lộc chính thức được Thủ tướng Chính phủ trao quyết định công nhận và Định Quán đã được Hội đồng Thẩm định nông thôn mới tỉnh bỏ phiếu đồng thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, thẩm định, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Ba huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu cơ bản hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024, hiện trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ minh chứng số ít chỉ tiêu còn lại. Luỹ kế đến nay toàn tỉnh Đồng Nai có 106/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 30 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Lấy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao làm “đòn bẩy”

Hầu hết các huyện dẫn đầu hoàn thành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao đều có xuất phát điểm thấp, nhưng cùng chung quan điểm chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ và đạt nhiều kết quả thực chất trong sản xuất an toàn, bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng nông sản.

Bài 1: Tạo sức bật vững chắc cho kinh tế nông thôn ảnh 1

Nông dân xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu được mùa bưởi.

Vĩnh Cửu là huyện tiên phong phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và đứng tốp đầu của tỉnh Đồng Nai về diện tích sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ.

Nông dân nơi đây sớm chuyển từ tập quán canh tác vô cơ sang canh tác theo hướng hữu cơ, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất.

Diện tích 15ha đạt chứng nhận hữu cơ của huyện chiếm một nửa kết quả trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này, với đa dạng sản phẩm như: bưởi, dưa hấu, ổi, đu đủ.

Huyện còn có gần 228ha các cây trồng chủ lực đạt chuẩn VietGAP; 206ha cây trồng ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất theo hướng hữu cơ…

Đến nay, ở Vĩnh Cửu có 9/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3/11 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đã thực hiện đạt 37/38 chỉ tiêu thuộc bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, còn vướng một chỉ tiêu là bến xe khách chưa đạt tiêu chuẩn loại III.

Tương tự, Cẩm Mỹ cũng thuộc tốp đầu của tỉnh Đồng Nai phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, có 2 mô hình trồng tiêu và sầu riêng được chứng nhận sản xuất hữu cơ với diện tích gần 6 hécta.

Ngoài ra, có gần 31ha tiêu, sầu riêng và lúa chờ cấp chứng nhận hữu cơ. Toàn huyện có 300 hécta cây trồng ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất theo hướng hữu cơ.

Đến nay, Cẩm Mỹ đã thực hiện đạt 4/9 tiêu chí với 29/38 chỉ tiêu của Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, đang cố gắng hoàn thành số còn lại để về đích trong năm 2024.

Bài 1: Tạo sức bật vững chắc cho kinh tế nông thôn ảnh 2

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được áp dụng rộng rãi ở Đồng Nai.

Cũng nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi số gắn với mục tiêu ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới để phát triển kinh tế nông thôn, 3 xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nhanh chóng vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ đầu năm 2024 đến nay, gồm Phú Tân (huyện Định Quán), Xuân Thành và Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc).

Tiêu biểu, xã Xuân Hòa có sản phẩm chủ lực là trái xoài đã ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc và được bán qua kênh thương mại điện tử, được quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Xã Xuân Thành có 3 loại cây chủ lực là: nhãn, xoài và rau màu đều đã được bán qua các kênh thương mại điện tử.

 

Nâng cao thu nhập cho người dân

Quan điểm này được biểu hiện đặc biệt sinh động, rõ nét tại hai huyện đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao là Xuân Lộc và Định Quán.

Đi lên từ một huyện thuần nông và thuộc nhóm cuối cùng chạm đích huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, nhờ mạnh dạn, quyết liệt đột phá trong cải tiến phương thức canh tác, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Định Quán đã chuyển động nhanh chóng, xuất sắc vượt lên trở thành huyện thứ hai ở Đồng Nai hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Theo đó, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với du lịch sinh thái.

Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu, nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 196 triệu đồng/ha, hơn mức chung của tỉnh, cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân, năm 2023 đạt bình quân gần 84,5 triệu đồng/người, tăng tới hơn 94% so với năm 2018.

Bài 1: Tạo sức bật vững chắc cho kinh tế nông thôn ảnh 3

Nông dân thu hoạch nông sản năng suất cao nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại huyện Xuân Lộc.

Ứng dụng đại trà công nghệ cao vào sản xuất đưa giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân huyện Xuân Lộc đạt 211,6 triệu đồng/ha, tăng hơn 96 triệu/ha so với cách đây 10 năm.

Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu hoạch trồng trọt và nuôi thủy sản đạt trên 220 triệu đồng/ha, riêng cây chủ lực hơn 270 triệu đồng/ha.

Trong mục tiêu đề án đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 đề ra thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 90 triệu đồng nhưng đã về đích trước vào năm 2023, tạo đà để nơi đây cố gắng nâng mức thu nhập trên 100 triệu đồng/người vào năm 2025.

Xuân Lộc chính là địa phương duy nhất của cả nước thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Đến nay, huyện đã đạt 6/6 nhóm tiêu chí, 29/29 chỉ tiêu bộ tiêu chí, đạt mục tiêu của đề án đề ra.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, huyện bám sát hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển hàng hóa nông nghiệp bền vững trình tỉnh, Trung ương xem xét. Tiếp theo, các xã nâng tầm xây dựng nông thôn mới thông minh gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và xã hội số trong xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Bài 1: Tạo sức bật vững chắc cho kinh tế nông thôn ảnh 4

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (nay là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) thăm gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Đồng Nai ngày 4/6/2024.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, là một trong bốn lĩnh vực đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đáng chú ý, đến nay, toàn tỉnh có hơn 885ha đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô trên 1.500ha; có 9 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với tổng diện tích gần 29ha; 107 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trên địa bàn tỉnh có 419 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ với quy mô gần 1.600ha.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp đã hợp tác, gắn kết với hợp tác xã, nông dân trong xây dựng mã số vùng trồng, giúp minh bạch sản phẩm, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Đồng Nai.

Toàn tỉnh hiện có 189 mã số vùng trồng với quy mô gần 28.000ha và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand… Đồng Nai cũng đã xây dựng 3 vùng chăn nuôi tại các huyện: Tân Phú, Long Thành, Xuân Lộc đáp ứng điều kiện xuất khẩu, trong đó có thị trường Nhật Bản.

Thành công trên trước hết đến từ tinh thần hăng say lao động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân trong bầu không khí phấn khởi, hăng hái thi đua xây dựng nông thôn mới ở khắp các vùng quê, dưới sự dẫn dắt, điều hành chủ động, táo bạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu của cấp uỷ, chính quyền các cấp hướng đến phụng sự mục tiêu xuyên suốt trong quá trình nâng chất nông thôn mới là không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.