Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển; chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, đề ra nhiều biện pháp đúng đắn, khoa học, bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ..., góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trước mắt và lâu dài.
Khơi thêm nguồn lực nội sinh
Tại Khu kinh tế Nghi Sơn hiện có 143 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 35 nghìn lao động, trong đó hai dự án công nghiệp chủ lực, quy mô lớn là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Sáu tháng đầu năm, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng mạnh như: điện sản xuất tăng 53,7%, dầu diesel tăng 26,6%, xăng các loại tăng 18,5%. Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 8.777 tỷ đồng, bằng 65% dự toán. Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Khu kinh tế Nghi Sơn không chỉ là hạt nhân trong phát triển kinh tế, mà còn là trọng tâm của ngành công nghiệp nặng gắn với khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển, tạo động lực thúc đẩy thị xã Nghi Sơn phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng.
Với bờ biển trải dài cát trắng, Thanh Hóa quy hoạch, thu hút các dự án đầu tư khai thác lợi thế du lịch biển. Bên cạnh đô thị du lịch biển Sầm Sơn, đã có thêm khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, hấp dẫn du khách.
Hai năm qua, thị xã đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 19,25%, cao nhất toàn tỉnh; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm hơn 93%, dịch vụ chiếm 4,85%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 2,1% trong cơ cấu nền kinh tế. Thành tựu này có đóng góp của thế hệ tiền nhiệm, sự đồng thuận của nhân dân, đồng hành, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, thị xã đang tập trung giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, luôn phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị trong lòng khu kinh tế.
Với bờ biển trải dài cát trắng, Thanh Hóa quy hoạch, thu hút các dự án đầu tư khai thác lợi thế du lịch biển. Bên cạnh đô thị du lịch biển Sầm Sơn, đã có thêm khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, hấp dẫn du khách. Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa Lê Xuân Thu cho biết: Sau nhiều năm thu hút, đồng hành với các nhà đầu tư, khu du lịch Hải Tiến đã định hình, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, phát triển kinh tế-xã hội vùng bãi ngang ven biển.
Giai đoạn 2021-2023, Hoằng Hóa dự kiến đón hơn ba triệu lượt du khách, đạt doanh thu du lịch hơn 4.000 tỷ đồng. Huyện xác định du lịch là mũi nhọn, phát triển công nghiệp là trọng tâm, đột phá về giao thông, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng đô thị; tiếp tục điều chỉnh mở rộng khu du lịch, các cụm công nghiệp trên địa bàn, sắp xếp đơn vị hành chính theo tiêu chí phường, xây dựng quy hoạch vùng, huyện, đô thị phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.
Thuộc vùng trọng điểm nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; ước đạt 145 triệu đồng/ha canh tác trong năm nay. Toàn huyện có 23 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hai sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể, 12 vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng và Thọ Xuân phấn đấu được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Một trong những mục tiêu quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đặt ra để góp phần cùng huyện Thọ Xuân phát triển toàn diện là xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc, đạt tiêu chí thị xã trước năm 2030.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thọ Xuân Lê Văn Tiến cho rằng: Phát huy bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương; Thọ Xuân chú trọng nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo các di tích, bảo lưu, khôi phục các di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài trò diễn Xuân Phả, mới có thêm Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được công nhận di sản phi vật thể quốc gia. Di tích cách mạng Yên Trường, nơi thành lập Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa hiện trở thành điểm đến của đông đảo đảng viên, học viên, học sinh. Thọ Xuân bảo tồn, phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân gắn bó với nghề, tiếp tục truyền dạy di sản ông cha trao truyền, nhân thêm tinh thần yêu nước, cách mạng, sức mạnh mềm trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Phát triển toàn diện, bền vững
Nhiệm kỳ này, tỉnh Thanh Hóa ban hành các nghị quyết, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, huyện Thọ Xuân, đồng hành cùng huyện vùng cao biên giới Mường Lát vươn lên thoát nghèo. Tỉnh chủ động bố trí gần 500 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ di chuyển 2.846 hộ dân khỏi khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; sắp xếp, bố trí tái định cư ở nơi an toàn; chỉ đạo các địa phương rà soát, ưu tiên cấp đất ở, động viên các doanh nghiệp trợ giúp xây dựng nhà ở cho gần 300 hộ gia đình còn sinh sống trên sông lên bờ định cư.
Thanh Hóa tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, mạng lưới giao thông kết nối sáu hành lang, bốn trung tâm kinh tế động lực.
Kết quả có thể kể đến, hai năm qua, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân đạt 10,49% và sáu tháng đầu năm nay đạt 7%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng 3,7%/năm; có 12 huyện, 359 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 339 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, một sản phẩm OCOP quốc gia. Công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các ngành dịch vụ phục hồi, phát triển, nhất là du lịch tăng trưởng nhảy vọt.
Hai năm qua, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân của tỉnh Thanh Hóa đạt 10,49% và sáu tháng đầu năm nay đạt 7%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng 3,7%/năm; có 12 huyện, 359 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 339 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, một sản phẩm OCOP quốc gia. Công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các ngành dịch vụ phục hồi, phát triển, nhất là du lịch tăng trưởng nhảy vọt.
Năm 2022, Thanh Hóa đón hơn 11 triệu lượt khách, đạt tổng thu từ du lịch hơn 20 nghìn tỷ đồng và sáu tháng đầu năm nay đón được 8,354 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Thanh Hóa luôn ở tốp đầu trong cả nước về thành tích thể thao thành tích cao và giáo dục mũi nhọn. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2022-2023, Thanh Hóa có 61 học sinh đoạt giải, ba học sinh được chọn vào đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic châu lục, quốc tế. Ðội tuyển bóng đá Thanh Hóa vô địch Giải bóng đá U19 quốc gia năm 2023 và các vận động viên của tỉnh giành 17 Huy chương vàng, bạc, đồng tại SEA Games 32.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ðỗ Trọng Hưng cho biết: Ðể sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành cực tăng trưởng mới ở phía bắc của đất nước, Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 19, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành; triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Mặt khác tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp nặng, năng lượng và chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn cùng các ngành dịch vụ, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải-cảng biển của khu vực và cả nước.
Tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội; tăng cường quốc phòng-an ninh; liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư, thương mại, huy động, phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðồng thời Thanh Hóa tiếp tục chăm lo xây dựng Ðảng bộ tỉnh đoàn kết, vững mạnh, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới...