Điểm nhấn của sự kiện là talkshow “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực”. Talkshow với sự góp mặt của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã cung cấp thông tin hữu ích về quy trình, thủ tục, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính và giải pháp thực tiễn để khách hàng hiện thực hóa giấc mơ nhà ở xã hội của người dân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chưa bao giờ nhà ở xã hội được đề cập một cách thường xuyên và được sự quan tâm rất lớn của xã hội như hiện nay.
Chính sách về nhà ở xã hội hiện nay là chính sách tốt nhất mà chúng ta đã xây dựng cho đến thời điểm hiện nay.
Sau khi Chính phủ đề ra mục tiêu xây dựng tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, đến nay trên cả nước, chương trình mới triển khai thực hiện được 10% kế hoạch, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 2%. Tiến độ như vậy là rất thấp.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, chương trình nhà ở xã hội hiện còn nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục và thực thi.
Hiện nay mỗi địa phương thực hiện một kiểu, quy trình, thủ tục triển khai còn phức tạp.
Trong khi đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu dưới hình thức các “gói hỗ trợ” ngắn và trung hạn, do đó chỉ mang tính thời điểm và không bền vững; và gần như chưa có nguồn vốn hỗ trợ nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, quỹ đất khi có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu là nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa chủ động dành những quỹ đất trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp cho xây dựng nhà ở xã hội, chưa có quy chuẩn nào về quỹ đất nhà ở xã hội…
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, trước đây, việc thực hiện dự án nhà ở xã hội gặp 5 vướng mắc về quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường.
Hiện nay, thủ tục, đầu ra và vốn đã được pháp luật “cởi trói” một cách rất mạnh cho hướng phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, các dự án nhà ở xã hội hiện nay còn gặp điểm nghẽn rất lớn là lãi suất cho vay đối với khách hàng mua nhà ở xã hội.
Đây là đối tượng ít có khả năng chi trả những chi phí vay bằng đồng lương. Trong khi đó, doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn đất.
Do vậy, theo ông Đính, để đạt được mục tiêu xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội, chính quyền các địa phương cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế, quy hoạch lại quỹ đất, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội…