Thảo luận 7 vấn đề lớn trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thứ ba, ngày 26 tháng 3 năm 2024 | 16:39

Có 7 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến

Sáng 26-3, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hội nghị đã nghe báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn.

hnct4.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Quy định tổ chức chính quyền đô thị thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều; giảm 5 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu. Trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều (bổ sung Điều 14 về phân cấp, ủy quyền; Điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã báo cáo 7 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến.

Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung cơ chế giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng pháp luật (trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau nhưng có quy định khác về cùng một vấn đề với Luật Thủ đô - PV) theo đề nghị của Chính phủ. Quy định này bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển và cũng phù hợp với thẩm quyền giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với tổ chức chính quyền đô thị, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của cả nước.

Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố Hà Nội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và thành phố Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đang được chỉnh lý theo hướng thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng động lực phía Bắc và cả nước; xác định ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, không chỉ giới hạn trong vùng Thủ đô nhằm phát huy tối đa khả năng, lợi thế của các địa phương và vai trò dẫn dắt, kết nối của Thủ đô Hà Nội, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của từng địa phương và cả nước, phù hợp với xu thế phát triển theo chuỗi giá trị hiện nay.

hnct5.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Quy định mới về không gian ngầm đô thị

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; người sử dụng đất thuộc địa bàn Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định. Do đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động khi ban hành, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực.

Dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và các đại biểu dự hội nghị.

“Quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD sẽ do HĐND thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư nếu chỉ sử dụng ngân sách thành phố, không giới hạn về tổng mức đầu tư. Một số ý kiến cũng đề xuất quy định theo hướng trường hợp có sử dụng kết hợp cả vốn đầu tư công của trung ương thì Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng TOD của Hà Nội theo phân kỳ đầu tư; trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, HĐND thành phố Hà Nội sẽ quyết định chủ trương đầu tư các dự án TOD cho từng tuyến đường sắt cụ thể.

Qua thảo luận tại kỳ họp thứ sáu, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cho phép thành phố Hà Nội thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong một số lĩnh vực và thanh toán cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất để kịp thời huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất.