Thay đổi lãnh đạo cấp cao nhưng thể chế chính trị ổn định
Để xây dựng Đảng thực sự tiêu biểu về đạo đức, văn minh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, Đảng ta thời gian qua đã đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm được triển khai bài bản, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ, đi vào chiều sâu với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào" và được tiến hành sâu rộng từ Trung ương đến cơ sở.
Do thực hiện tốt chủ trương này, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thu được nhiều kết quả quan trọng, qua đó củng cố niềm tin vững chắc của toàn dân, toàn quân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định
Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng, tiêu cực “uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta”, là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Trước thực trạng tham nhũng diễn biến phức tạp, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 ngày 12-12-2020 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) chỉ rõ: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”...
Tiếp đó, phát biểu tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 20-1-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải: “Chấn chỉnh, đấu tranh đẩy lùi, loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.
Với chủ trương đúng đắn, kịp thời, từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt; đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực; nhiều vụ án về kinh tế, nhất là các vụ đại án tham nhũng được điều tra, xử lý đúng người, đúng tội. Trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên.
Năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức Đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật hàng chục cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đặc biệt, năm 2023 và nửa đầu năm 2024, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đưa ra xử lý, nhiều cựu cán bộ, lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương bị xử lý hình sự với những mức án nghiêm minh. Hàng loạt các vụ án khác đang được mở rộng điều tra như vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2); vụ án Tập đoàn Phúc Sơn; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An… Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là minh chứng rõ nét nhất về vai trò lãnh đạo của Đảng. Nói cách khác, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm minh để tạo sự ổn định, phát triển
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra rất quyết liệt, nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình. Nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao, lãnh đạo quản lý các cấp bị xử lý phải tâm phục, khẩu phục. Đảng đã xử lý nghiêm khắc với kẻ chủ mưu, cầm đầu, tích cực thực hiện hành vi vi phạm, song cũng xem xét toàn diện đối với những người làm công hưởng lương, phụ thuộc, không chủ động, không cố ý hưởng lợi… Điều này khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, góp phần thức tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn từng bước và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tờ Le Monde (Pháp) số ra ngày 21-6-2022 bình luận: “Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam đã tăng tốc mạnh mẽ và giờ đây không loại trừ ai, từ các đại gia ở khu vực kinh tế tư nhân cho tới các đảng viên là quan chức cấp cao”. Đặc biệt, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bày tỏ ấn tượng trước nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta và người đứng đầu Đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của Ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”.
Tuy nhiên, lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội và một số trang báo phản động, đã tích cực tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo với nhiều lời lẽ bịa đặt nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành quả và quyết tâm phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không dừng lại ở đó, lợi dụng việc một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt, cấp cao xin từ chức, miễn nhiệm hoặc bị bắt để điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật, các trang mạng phản động ngay lập tức hướng dư luận thành kết quả của “sự thanh trừng nội bộ”, “tranh giành phe cánh”…, thậm chí đặt vấn đề về trách nhiệm của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Có thể khẳng định rất rõ rằng, các đối tượng chống phá, cơ hội chính trị cố tình xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm gây nhiễu loạn thông tin, gây rối tình hình, tạo hoang mang trong xã hội; phá hoại công tác tổ chức, cán bộ của Đảng. Mục đích cao nhất của chúng là làm bất ổn xã hội, dẫn đến suy yếu thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Trong suốt hơn 94 năm lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chủ trương lựa chọn cán bộ, đảng viên xứng đáng, đủ đức, đủ tài để gánh vác nhiệm vụ cách mạng. Theo đó, Đảng đã từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ kiên trung với Đảng, tận hiếu với nước, với dân; xứng đáng là người “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hy sinh vì lợi ích chung, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Việc cho “thôi chức”, “miễn nhiệm” đối với một số cán bộ, đảng viên là một trong những dấu ấn nổi bật, có tính đột phá khi đánh giá, xem xét cán bộ, góp phần để phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” được triển khai sâu rộng, đồng bộ; để xu hướng đó trở thành một việc làm bình thường trong quá trình kết hợp nhuần nhuyễn “vừa xây”, “vừa chống”, làm cho Đảng ngày càng đoàn kết, trong sạch, vững mạnh.
Điểm đặc biệt, dù có thay đổi nhân sự ở cấp nào nhưng nguyên tắc hoạt động, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng luôn nhất quán, bảo đảm tính kế thừa, không bị chi phối bởi bất cứ thế lực nào. Tuy có sự thay đổi đối với cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhưng đó là thay đổi để phát triển, thay đổi cán bộ lãnh đạo cấp cao nhưng thể chế chính trị luôn ổn định; vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được khẳng định. Do đó, những lời lẽ lạc lõng của các thế lực thù địch lợi dụng việc cho “thôi chức”, “miễn nhiệm” đối với một số cán bộ cấp cao để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trở nên vô giá trị. Bằng chứng là gần đây nhất, việc Quốc hội bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giữ chức Chủ tịch Quốc hội; bầu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ tịch nước cho thấy sự kiện toàn kịp thời, phát triển liên tục, có sự kế thừa trong công tác cán bộ chủ chốt của Đảng.
*
* *
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo với tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” và với phương châm “kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” được tiến hành mạnh mẽ, trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận và là động lực quan trọng phát triển đất nước, để "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Những luận điệu chống phá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; xuyên tạc việc cho “thôi chức”, “miễn nhiệm” đối với một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước là sự chống phá chưa bao giờ ngừng nghỉ của các thế lực thù địch trong âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ để bảo vệ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời!
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Thi đua, khen thưởng cần thực chất
- Không thể xuyên tạc thành tựu sau 70 năm Giải phóng Thủ đô