Thiếu đồng bộ - đến bao giờ TP. HCM xử lý dứt điểm nạn ô nhiễm tiếng ồn?
UBND TP HCM đã ban hành nhiều quy định, chỉ đạo xử lý vi phạm tiếng ồn. Tuy nhiên vì thiếu sự đồng bộ, thiếu những chế tài, thiếu công cụ phương tiện... nên tình trạng vi phạm tiếng ồn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vừa qua, TP. HCM tiếp tục có văn bản khẩn về tăng cường xử lý nạn tiếng ồn đô thị. Văn bản thể hiện sự quyết tâm dẹp bỏ tệ nạn này bằng nội dung xử lý người đứng đầu địa phương nếu để tình trạng tiếng ồn xảy ra. Đây là chủ trương được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, điều quan trọng là thực hiện xử lý vi phạm ra sao để thực sự hiệu quả.
Chịu không thấu với tiếng ồn
Bà Trần Thị H. ở chung cư Mỹ Phước, P. 2, Bình Thạnh than phiền, "cứ vào những này nghỉ cuối tuần ở khu nhà đối diện chung cư chúng tôi ở người ta tổ chức ăn nhậu, mở loa hát ầm ĩ từ chiều tới tối khuya mà không thấy ai nói gì. Tình trạng này diễn ra suốt".
"Nếu hát hay thì không nói, đằng này hát tệ lại mở hết công suất làm kinh động cả xóm làng; đặt loa ngay ngoài cửa, ngoài đường, tra tấn cả xóm thì sao mà chịu nổi; chưa kể là tình trạng rao hàng bằng loa cả ngày đêm như tra tấn", ông Nguyễn Văn Cường, ở gần chợ Thạch Đà (Gò Vấp) bức xúc.
"Từ khi TP. HCM có quy định xử lý vi phạm tiếng ồn thì quán hàng trước nhà tôi vẫn mở nhạc tưng bừng; tôi đề nghị xử lý tiếng ồn bất kể thời gian nào chứ không phải trong khung từ 22 đến 6 giờ sáng hôm sau. Bởi có nhiều người vô ý thức quá, hát karaoke, mở tivi, mở nhạc ầm ầm bất kể giờ giấc", ông Tuấn sống ở gần đường Trường Sa nói.
Được biết, để dẹp nạn tiếng ồn, thời gian qua chính quyền TP. HCM đã có nhiều chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết, đồng thời ra quân nhiều đợt xử lý. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm lề đường, vỉa hè và tiếng ồn đô thị vẫn chưa xử lý dứt điểm. Đặc biệt, thời gian gần đây khi thành phố mở cửa "hậu Covid-19", bình thường mới trở lại thì tình trạng ô nhiễm tiếng ồn lại có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Trong Hội nghị tổng kết vừa qua, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cũng xác nhận xác nhận vấn đề này. Theo ông Hoan, thời gian qua UBND TP. HCM rất quyết liệt trong việc xử lý tiếng ồn đô thị. Thế nhưng, đến nay kết quả vẫn còn rất hạn chế. Tiếng ồn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tại cộng đồng dân cư vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến khiến người dân rất bức xúc.
Thực hiện cần có sự đồng bộ
Một Thanh tra Sở TNMT cho rằng, để xử lý tiếng ồn đô thị thì cần phải có sự đồng bộ, mạnh mẽ của nhiều sở ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương.
Hiện nay, xử lý vi phạm về tiếng ồn công nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp…thì thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ dùng thiết bị đo đạc để xác định mức độ vi phạm và xử lý theo quy định của Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Đối với tiếng ồn phát sinh trong khu dân cư chủ yếu do hát karaoke thì lực lượng xử lý chính là địa phương, chủ lực là công an phường, xã áp dụng các quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử lý.
Còn xử lý ô nhiễm tiếng ồn như âm thanh từ hát "karaoke loa kẹo kéo", loa phát quảng cáo giảm giá cuối năm, máy móc thi công… thì thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt.
Tuy nhiên, việc xử lý tiếng ồn trong khu dân cư cũng nhưng ngoài đường không đơn giản. Trong đó có những quy định chưa đủ mạnh.
Một cán bộ TP. Thủ Đức chia sẻ: khi nhận được phản ánh của người dân, thì chúng tôi tập tức tới hiện trường, tuy nhiên đến nơi thì những người hát karaoke đã tắt máy, mặt khác việc đo tiếng ồn cũng gặp khó khăn khi thiếu máy móc...
Theo luật sư Nguyễn Sa Linh (Trưởng Văn phòng Luật Gia Linh), pháp luật quy định rõ hành vi gây tiếng ồn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường. Nếu gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định 155/2016/NĐ-CP; Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
"Tuy nhiên, để triển khai thực hiện một các hiệu quả hơn thì TP. HCM cần có những quy định rõ trong việc chế tài hành vi. Nếu luật chưa đủ mạnh để chế tài thì có thể kiến nghị sửa luật, qua đó việc thanh tra, xử lý vi phạm sẽ đi vào thực chất hơn", luật sư Linh nói.
Phối hợp, bổ sung thêm quy định chế tài
Tại văn bản khẩn về việc chỉ đạo tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn ngày 5/1 vừa qua, vì chưa có những quy định chặt chẽ nên ngoài việc chỉ đạo các địa phương tăng cường xử lý tiếng ồn thì UBND TP. HCM cũng giao cho một số cơ quan ban ngành, nghiên cứu, phối hợp, đề xuất những quy định để có chế tài chặt chẽ.
Cụ thể, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất: áp dụng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND TP., UBND TP. về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng,... nhằm xử lý hiệu quả vấn nạn này.
Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan và Cục Quản lý thị trường nghiên cứu các quy định pháp luật và thực trạng nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các thiết bị âm thanh (loa, âm ly,...) và công suất của các thiết bị này, tình hình xử lý vi phạm hành chính về hải quan, quản lý thị trường, thương mại có liên quan.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố tìm hiểu, tổng hợp các giải pháp, biện pháp về khoa học, kỹ thuật của các quốc gia trên thế giới về giảm thiểu tiếng ồn, đề xuất với UBND TP. xem xét thử nghiệm các giải pháp, biện pháp phù hợp.
Sở Y tế tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổng hợp tài liệu khoa học về ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người để làm cơ sở khoa học cho các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn nêu trên.
UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức có trách nhiệm xây dựng, hướng dẫn các “mẫu chuẩn” về biện pháp phát hiện, xác định hành vi, nhóm hành vi vi phạm - biện pháp, nhóm biện pháp xử lý để thực hiện thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, thẩm quyền.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/thieu-dong-bo--den-bao-gio-tp-hcm-xu-ly-dut-diem-nan-o-nhiem-tieng-on-post176379.html
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí