Thông tư mới khiến người mua, thuê mua nhà ở xã hội gặp khó khi tiếp cận vốn vay ưu đãi
Tại khoản 2, Điều 1, Thông tư 20 đã nảy sinh ra bất cập. Theo đó, các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ không nằm trong đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
Tối 3/1, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi để thuê, mua nhà ở xã hội.
Theo HoREA, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 20, hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định. Dự kiến, Thông tư này có hiệu lực vào ngày 20/1/2022.
Các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ không nằm trong đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
Thế nhưng, trước thời điểm có hiệu lực, khoản 2, Điều 1, Thông tư 20 đã nảy sinh ra bất cập. Theo đó, các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ không nằm trong đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
Phân tích rõ hơn về điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: Trước đây, tại Thông tư 25, Ngân hàng Nhà nước quy định, khi mua, thuê mua nhà ở xã hội, các cá nhân, hộ gia đình có 2 cách tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Thứ nhất là thông qua ngân hàng chính sách xã hội, thứ hai là thông qua các tổ chức tín dụng được ngân hàng Nhà nước chỉ định.
Thế nhưng, vào thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực, các hộ gia đình, cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội thì, được vay ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội, nhưng phải thực hiện “gửi tiết kiệm nhà ở xã hội”.
“Việc Ngân hàng Nhà nước không cho phép các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định cho vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội dẫn đến các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt thòi nhất”, ông Châu nói.
Theo Chủ tịch HoREA, trong 15 năm qua, các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đã thực hiện rất tốt, rất hiệu quả việc cho vay ưu đãi “để mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở”, kể cả việc thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2013-2016 thì các ngân hàng thương mại đã làm rất tốt.
Qua tổng kết, từ 1 đồng cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước thì ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng vốn của xã hội.
Trong lúc Ngân hàng chính sách xã hội đã không tham gia thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2013-2016 và mới chỉ tham gia cho vay ưu đãi nhà ở xã hội trong thời gian gần đây.
Đồng thời, do Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để cho vay ưu đãi nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020, nên Ngân hàng chính sách xã hội hầu như mới chỉ cho một số hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi “để mua, thuê mua nhà ở xã hội“ trong vài năm gần đây.
Ngân hàng chính sách xã hội cũng chỉ cam kết từ 1 đồng vốn cấp từ ngân sách nhà nước thì huy động thêm được 1 đồng vốn của xã hội.
Do vậy, Chủ tịch HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trên để đảm bảo, thống nhất và phù hợp với các quy định khác của Chính phủ. Đồng thời hỗ trợ các đối tượng chính sách có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi khi mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 1 còn phát sinh xung đột pháp luật với hàng loạt quy định trước đó, như Nghị định 100, Nghị định 49 của Chính phủ và Thông tư 25 của Ngân hàng Nhà nước.
“Thật ra, việc Ngân hàng Nhà nước loại bỏ “đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội” là có căn cứ pháp luật, theo Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, dù phù hợp với Luật Nhà ở, nhưng lại xung đột với nhiều quy định khác, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại”, ông Châu thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ xem xét Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bổ sung thêm cụm từ “mua, thuê mua nhà ở xã hội” để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật về chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/thong-tu-moi-khien-nguoi-mua-thue-mua-nha-o-xa-hoi-gap-kho-khi-tiep-can-von-vay-uu-dai-post175705.html
- Bất động sản: Cú vấp với ‘Ba lằn ranh đỏ’ của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
- Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?
- Thiết kế chính sách phát triển nhà ở xã hội dựa trên lợi ích và nhu cầu
- Những khó khăn chính của thị trường bất động sản Việt Nam và giải pháp tháo gỡ
- Các ông trùm bất động sản mất 65 tỷ USD vì chính sách Thịnh vượng chung của Trung Quốc
- Bị thu hồi dự án gần 800 ha, doanh nghiệp khởi kiện tỉnh Lâm Đồng
- Phát lộ những lần điều chỉnh ‘nhồi’ cao ốc vào ‘con đường đau khổ’ Lê Văn Lương
- Hơn 2,2 triệu tỷ cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ mối nguy cơ
- 13 dự án chung cư dọc tuyến đường Lê Văn Lương nhiều sai phạm