Thủ tướng: “Nghe cho đến, thấy cho khắp” tâm tư, nguyện vọng của kiều bào

Thứ sáu, ngày 23 tháng 8 năm 2024 | 9:33

Sáng 22-8, “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư” và “Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội.

Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành, tổ chức và hơn 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hội nghị đã dành 1 phút tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

img_20240822_094923.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu kiều bào tham dự hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh

"Hội nghị Diên Hồng" của người Việt Nam ở nước ngoài

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016.

Qua 3 lần tổ chức, hội nghị đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự trở thành một “Hội nghị Diên Hồng”. Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật.

img_20240822_092914(3).jpg

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quỳnh Dương

Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” với nhiều điểm mới và kỳ vọng. Lần đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Đây là chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand tháng 3-2024, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Điểm đặc biệt là lần đầu tiên một số hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tham gia với các cơ quan trong nước chủ trì, điều hành một số phiên chuyên đề về lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực của kiều bào, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn là chủ thể triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kỳ vọng, Hội nghị lần thứ tư lấy trọng tâm là Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng”, tập trung trí tuệ tập thể, gia tăng đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

3 định hướng, 3 trọng tâm trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng nhận thấy nhiều gương mặt kiều bào trẻ trung, năng động, trong đó có các bạn trẻ luôn mang trong lòng tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn và khát khao đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc "Tre già, măng lại mọc".

thu-tuong-pham-minh-chinh.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới lần thứ tư. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị hôm nay mang nhiều ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn tăng tốc, bứt phá phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, hướng tới những mục tiêu chiến lược phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, cũng đúng thời điểm 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài - một dấu mốc quan trọng trong công tác này và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Thủ tướng, đây không chỉ là dịp để cùng thảo luận những vấn đề quan trọng, thiết thực về sự phát triển của đất nước trong những năm tới và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, hiến kế đóng góp quý báu của bà con kiều bào, mà còn là dịp thể hiện “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến, chủ động có giải pháp phù hợp, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kiều bào ta và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền còn vướng mắc.

Thông tin tới các đại biểu kiều bào về những khó khăn, thành tựu của đất nước trong những năm qua và định hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 3 thông điệp đối với bà con kiều bào, cùng với 3 định hướng, 3 trọng tâm trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Về 3 thông điệp: Thứ nhất, “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Năm 2025 kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước sẽ là dịp thúc đẩy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai.

Thứ hai, đất nước kỳ vọng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc. Thành công của kiều bào cũng chính là thành công của đất nước.

Thứ ba, đất nước trân quý tình cảm, thấu hiểu khi nghe tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của bà con kiều bào dành cho quê hương. Chúng ta luôn nỗ lực để “nghe cho đến, thấy cho khắp” tâm tư, nguyện vọng của bà con.

screenshot_20240822-100002_gallery.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quỳnh Dương

Ba định hướng trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới bao gồm: Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phải thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả các chính sách đều phải quán triệt tinh thần này.

Cần phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước; đồng thời thể hiện mạnh mẽ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải mang tính đồng bộ và xác định rõ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, kết hợp việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng.

Đối với 3 trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới mục tiêu đầu tiên là hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại; xây dựng cộng đồng lớn mạnh và gắn kết; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng.

Thứ hai là tiếp tục phát huy, đồng thời tìm ra động lực mới gắn kết cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước.

Thứ ba là không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận động cộng đồng đóng góp xây dựng đất nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con về đất đai, nhà cửa, quốc tịch, cư trú, môi trường đầu tư, kinh doanh… Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua đã khẳng định cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo thuận lợi cao nhất cho các hoạt động đóng góp xây dựng đất nước.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là mái nhà chung, là địa chỉ tin cậy của bà con kiều bào, là cầu nối đưa bà con về gần hơn với Tổ quốc; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, hỗ trợ kiều bào giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực đổi mới tư duy phát triển, quyết liệt hành động, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có cơ chế, chính sách thuận lợi cho bà con, doanh nghiệp kiều bào đầu tư kinh doanh, hỗ trợ nhân dân trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu, lắng nghe, phản hồi và áp dụng trên thực tế những ý kiến đóng góp quý báu của kiều bào, trong đó lưu ý, cùng với đóng góp bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức khoa học công nghệ của kiều bào là nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước ngày nay.

tta_5277-1-1-1-.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm không gian trưng bày ảnh về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và kiều bào với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Tuấn Anh

Bên lề hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm không gian trưng bày ảnh về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và kiều bào với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.