Thủ tướng: Nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách
– Cả nước đã hoàn thành gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, nhưng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là hội nghị hết sức ý nghĩa. Hội nghị nhằm cụ thể hóa một bước chủ trương của Đảng về chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN.
Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Mặt khác, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng nêu rõ, muốn phát triển công nghiệp cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người. Nghiên cứu thực tiễn các nước cho thấy đa số các nước đều có chính sách nhà ở xã hội, như cho mua và thuê mua nhà ở xã hội. Người công nhân khi vừa bắt đầu làm việc thì không thể mua ngay được nhà ở, nên phải có các chính sách như thuê mua, trả góp…
Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, theo đó, pháp luật về nhà ở hiện hành đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động, như: Miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Đây là kết quả đáng kể. Một số địa phương, doanh nghiệp làm tốt vấn đề chăm lo nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.
"Vừa qua, tôi có đến thăm công nhân ở nhiều địa phương thì thấy nhiều khu nhà ở công nhân vẫn rất chật hẹp, khó khăn. Các chủ nhà trọ cũng có nhiều cố gắng và chia sẻ, nhưng các giải pháp cho vấn đề nhà ở công nhân còn tự phát, chưa triển khai bài bản, các khu nhà ở chưa đáp ứng yêu cầu về không gian, vệ sinh, môi trường… Một trong những quyền của con người là có chỗ ở. Chúng ta đã có cố gắng về vấn đề nhà ở công nhân nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Nhưng đây cũng là thực tế khách quan của một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, đi lên từ một nước nghèo nàn lạc hậu sau nhiều năm bị tàn phá bởi chiến tranh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức vừa qua, chúng ta vẫn giữ vững được ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định các loại thị trường. Trong bối cảnh khó khăn, người Việt Nam lại càng đoàn kết và thường "biến nguy thành cơ".
"Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta không thể làm tất cả các việc cùng lúc, nhưng việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã đến lúc phải làm, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Tôi đã chỉ đạo các cơ quan sắp tới triển khai các hội nghị, các giải pháp để vừa phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, bền vững, lâu dài, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó có vấn đề phát huy mạnh mẽ tinh thần tự nguyện, tự giác và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương của Đảng, luật pháp của Nhà nước và với tình hình, điều kiện thực tế; vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết các vấn đề cơ chế, chính sách tài chính, sự vào cuộc của các địa phương…
"Trong thời gian ngắn, động lực nào để chúng ta tạo ra sự đột phá trong bối cảnh nhu cầu rất cao của một nền kinh tế đang phát triển nhanh, trong đó có việc bảo đảm cân đối lớn về lao động, bao gồm vấn đề nhà ở cho người lao động. Tôi mong muốn sau Hội nghị sẽ có chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp", Thủ tướng phát biểu.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao, thông qua việc hỗ trợ công nhân về nhà ở, xây dựng trường học, bệnh viện... và nhất là trong phòng chống dịch COVID-19.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia sẻ với các doanh nghiệp về những khó khăn, mất mát trong hơn 2 năm phòng chống dịch; đồng thời trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong những thời điểm rất khó khăn, về trang thiết bị, thuốc, vaccine..., góp phần cùng cả nước kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng nhắc lại nhấn mạnh vaccine là vũ khí quyết định để phòng chống dịch và đề nghị các doanh nghiệp tích cực tham gia việc triển khai tiêm vaccine cho người dân, người lao động theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Hà Văn
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- 0 aA Chỉ đạo, quyết định của Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- Hệ thống hóa pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa quy định về sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm