Thủ tướng Phạm Minh Chính dự trực tuyến Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ 3

Thứ bảy, ngày 24 tháng 8 năm 2024 | 10:22

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone, sáng 23-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế chăm sóc và khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2025”.

c2.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng phụ trách phát triển phụ nữ và bình đẳng giới cùng nhiều đại diện nữ doanh nhân tiêu biểu của các nước ASEAN, Timor-Leste, các nước đối tác, đại diện Liên hợp quốc.

Tiếp nối sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba là minh chứng rõ nét về cam kết và nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò, đóng góp to lớn của phụ nữ, trẻ em gái với gia đình, xã hội. Trọng tâm của Hội nghị lần này là trao đổi về các thách thức, khó khăn, gánh nặng đặt ra cho phụ nữ khi đảm nhận các công việc chăm sóc không được trả lương và đi cùng với đó là các hệ lụy đa chiều như bất bình đẳng giới, hạn chế cơ hội tiếp cận giáo dục, việc làm, bạo lực dựa trên cơ sở giới…

Trên cơ sở đó, Hội nghị đã đưa ra nhiều định hướng thiết thực để nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế chăm sóc, thúc đẩy bình đẳng giới, cùng nhiều đề xuất cụ thể nhằm tăng cường đầu tư vào nền kinh tế chăm sóc, giải quyết các vấn đề phức tạp và đa chiều đang đặt ra, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động, nhất là phụ nữ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những đóng góp to lớn của người phụ nữ, vừa là hậu phương vững chắc nâng cao chất lượng cuộc sống của từng gia đình, vừa là những người tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Thủ tướng chia sẻ với Hội nghị kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Việt Nam, trong đó, 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022. Năm 2023, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả lương của phụ nữ bằng 1,78 lần so với nam giới, mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 1,7 lần. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả”, Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác phát huy tiềm năng và giải phóng sức lao động của phụ nữ, tăng cường nền kinh tế chăm sóc, khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn cầu, sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội, chính phủ, cộng đồng và toàn khu vực.

c1.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nước ASEAN tập trung thực hiện các giải pháp thông qua “3 tăng cường”. Đó là tăng cường nhận thức, tư duy về vai trò của phụ nữ, thúc đẩy các chính sách mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, nơi họ không chỉ được trao quyền mà còn được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức để đóng góp hiệu quả vào nền kinh tế chăm sóc cũng như khả năng tự cường của ASEAN. Tiếp đó là tăng cường đổi mới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe công lập chất lượng, dễ tiếp cận, giá cả phù hợp, nhất là tại các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế và chính sách, lồng ghép các khía cạnh phù hợp của công việc chăm sóc vào các chương trình khu vực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia, trên cơ sở tiếp cận thúc đẩy bình đẳng giới, thích ứng với già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho người lao động; huy động nguồn lực của toàn xã hội, thu hút đầu tư tư nhân và coi đầu tư tư nhân là nhân tố quan trọng trong nỗ lực phát triển nền kinh tế chăm sóc. Cùng với đó là tăng cường hợp tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, ngăn chặn lạm dụng, bóc lột, phân biệt đối xử và các hoạt động bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người xuyên biên giới.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, tham dự Hội nghị trực tiếp tại thủ đô Viêng Chăn chia sẻ nhận định về tầm quan trọng của công việc chăm sóc không được trả công và những rào cản, thách thức trong việc công nhận đóng góp to lớn của công việc chăm sóc trong phát triển con người, tăng trưởng kinh tế. Bà Nguyễn Thị Hà cũng chia sẻ về thực trạng nền kinh tế chăm sóc ở Việt Nam, các thách thức về định kiến xã hội đối với vai trò của phụ nữ, hạn chế về cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hạn chế về phạm vi bao phủ an sinh xã hội đối với người làm công việc chăm sóc, dẫn đến bất bình đẳng về giới, thu nhập. Từ đó, bà đề xuất các khuyến nghị thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế chăm sóc và tăng cường vai trò của phụ nữ.

Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đánh giá cao sự tham gia, phát biểu và đóng góp của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo nữ Việt Nam tại Hội nghị và trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Lào, tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 cùng các hội nghị liên quan vào tháng 10-2024 tại Viêng Chăn.