Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo và các thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Sau 2 năm triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành và phát triển; công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã được quan tâm đầu tư; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được mở rộng ở các địa phương; chương trình du lịch nông thôn và công tác chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh được tỉnh quan tâm đầu tư và được các địa phương và người dân hưởng ứng.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn giám sát tối cao của Quốc hội chủ trì buổi làm việc. |
Các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững. Đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện. Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm.
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3%, 4 xã và 3 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 2,0-2,2%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng Đoàn công tác của Quốc hội đi thực tế để kiểm tra, giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện miền núi A Lưới. |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, để triển khai các Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phát động nhiều phong trào; về phía Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành 39 Nghị quyết liên quan đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, các văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành chậm có phần làm ảnh hướng đến tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn.
Các thành viên trong Đoàn giám sát cho rằng, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục khó khăn; chủ động, tích cực chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới bước đầu cơ bản đạt yêu cầu.
Thượng tướng Trần Quang Phương tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn huyện A Lưới. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động, tích cực chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình. Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa, phát huy, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả đối với việc triển khai, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương còn vướng mắc để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Rà soát, đánh giá lại dự kiến mức độ thực hiện và khả năng hoàn thành của từng Chương trình tính đến các mốc hết năm 2023, 2024 và 2025, cụ thể đối với từng dự án, nội dung thành phần. Xác định các nguyên nhân, các yếu tố tác động để có biện pháp cụ thể thực hiện việc giải ngân nguồn vốn Trung ương đã phân bổ năm 2021, 2022, 2023.
Thừa Thiên Huế cũng cần đánh giá kết quả việc thực hiện các nguyên tắc, giải pháp, cơ chế quản lý thực hiện Chương trình; thực hiện tốt các giải pháp tỉnh đã đề ra để nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình trong thời gian tới, phấn đấu là địa phương điển hình trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
* Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng Đoàn giám sát của Quốc hội đã đi khảo sát thực tế tại huyện miền núi A Lưới về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.