Thực hiện nghiêm việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng

Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024 | 7:10

Ngày 28/12/1996, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Chỉ thị này quy định rõ: “Mỗi chi bộ đảng, mỗi ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân xã, phường, mỗi cơ sở Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong cả nước đều có báo Nhân Dân (hằng ngày) và các báo của đảng bộ địa phương mình...”. Thời gian qua, việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng theo Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị đã trở thành nền nếp và là tài liệu quan trọng trong sinh hoạt của các chi bộ Đảng. Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều Đảng bộ tỉnh, thành phố, việc mua báo Đảng, trong đó có báo Nhân Dân hằng ngày, chưa trở thành thường xuyên; nhiều cấp ủy chưa thực hiện nghiêm việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội trinh sát, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang đọc báo Đảng trong giờ nghỉ ở thao trường. (Ảnh: PHẠM ĐOÀN)
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội trinh sát, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang đọc báo Đảng trong giờ nghỉ ở thao trường. (Ảnh: PHẠM ĐOÀN)

Bài 1: Nhiều chi bộ chưa có báo Đảng

Qua khảo sát tại nhiều đảng bộ tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn còn nhiều chi bộ chưa có báo Nhân Dân hằng ngày; số lượng chi bộ đặt mua ngày càng giảm sút. Nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các cấp ủy chưa thật sự quan tâm việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng theo quy định. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần quan tâm, chỉ đạo việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng theo Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII); đồng thời, sớm khắc phục tình trạng nêu trên.

Chi bộ thiếu báo đảng

Bí thư Chi bộ Non Côi (thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, Nam Định) Đinh Xuân Hiển cho biết: Việc mua và đọc báo Đảng hằng năm vẫn được cấp trên quán triệt, nhưng Chi bộ chỉ nhận được báo Nam Định, nhiều năm nay không có báo Nhân Dân. Trong khi đó, Chi bộ có một số đảng viên cao tuổi, hưu trí, nguyên là lãnh đạo cấp huyện có tiêu chuẩn được đọc báo Nhân Dân.

Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 14 (phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định) Trịnh Văn Ngoạn phản ánh thêm: Chi bộ cũng chỉ có báo Nam Định, Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhưng lại không có báo Nhân Dân…

Thống kê ở thời điểm trước ngày 1/9/2024 (trước khi hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh), Đảng bộ tỉnh Nam Định có 15 đảng bộ trực thuộc, 921 tổ chức cơ sở đảng, 4.293 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với hơn 110.300 đảng viên. Đối chiếu với Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng nghĩa với ngần ấy tổ chức cơ sở đảng phải có báo Nhân Dân hằng ngày để nghiên cứu, chưa tính đến ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân các cấp và các hội, đoàn thể cũng phải đặt mua báo theo quy định. Những năm gần đây, số lượng báo Nhân Dân phát hành trên địa bàn tỉnh rất thấp. Theo Bưu điện tỉnh Nam Định, năm 2024, số lượng chi bộ thuộc Đảng bộ tỉnh đặt mua báo Nhân Dân chỉ đạt 15%.

Tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không đặt mua báo Nhân Dân. Nhiều cán bộ, đảng viên hay nhân dân khi đến Đảng ủy, Ủy ban nhân nhân xã muốn tìm đọc báo, tạp chí giấy của Đảng cũng không có. Tại Phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Đảng ủy phường cũng không đặt mua báo Nhân Dân. Khi hỏi thì một cán bộ của phường trả lời: “Chúng tôi có mua và đọc báo Đảng địa phương rồi. Đâu có quy định phải mua hết các báo, tạp chí của Đảng”.

Toàn tỉnh Tiền Giang có 763 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 280 đảng bộ cơ sở và 483 chi bộ cơ sở. Trong thời gian qua, việc mua và đọc báo Nhân Dân tại các chi bộ, đảng bộ trên địa bàn tỉnh liên tục giảm mạnh. Theo báo cáo của Bưu điện tỉnh Tiền Giang, mỗi một kỳ báo, bưu điện phát hành được 557 tờ báo, chỉ đạt 19% so với số lượng chi bộ, đảng bộ trên địa bàn tỉnh.

Tại chi bộ ấp An Hòa Thạnh (xã An Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) nhiều năm liền không có báo Nhân Dân khiến việc tiếp nhận thông tin chính thống phục vụ công tác tuyên truyền trong các cuộc họp chi bộ, họp tổ nhân dân tự quản gặp nhiều khó khăn. Bí thư Chi bộ ấp An Hòa Thạnh Trần Trung Trực cho biết: Hiện tại, mỗi tháng chi bộ được hỗ trợ mua 10 tờ báo Đồng Khởi (báo Đảng địa phương) để phát cho các tổ nhân dân tự quản. Tôi đề xuất ngân sách hỗ trợ ít nhất 2 kỳ báo Đảng địa phương, 1 kỳ báo Nhân Dân, 1 kỳ tạp chí Cộng sản sẽ rất tốt để phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở.

Ðộc giả đọc báo, tạp chí của Ðảng tại Thư viện tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh Nguyễn Phong)

Tin liên quan

Đẩy mạnh việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng

Đảng bộ xã An Hóa (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) hiện có 9 chi bộ với 170 đảng viên, nhưng đều không có báo Nhân Dân theo quy định. Bí thư Đảng ủy xã An Hóa Lưu Hoàng Trung cho biết: “Hằng tháng, Đảng bộ chỉ duy trì đặt báo Đồng Khởi để phục vụ tuyên truyền tại cuộc họp tổ nhân dân tự quản. Để có nguồn thông tin chính thống phục vụ công tác tuyên truyền tại cơ sở, Đảng ủy xã sử dụng thông tin từ các bản tin sinh hoạt nội bộ, bản tin của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành, thông tin từ Ban Chỉ đạo 35…, nhưng lại không có báo Nhân Dân”.

Thời gian gần đây, việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng tại nhiều chi bộ, đảng bộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa được nghiêm túc. Từ đó, số lượng báo Đảng nói chung và báo Nhân Dân nói riêng bị giảm sút nghiêm trọng. Theo thống kê của Bưu điện tỉnh Bến Tre, quý IV/2024, số lượng đặt mua báo Nhân Dân của các chi, đảng bộ trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 15%; trong đó, huyện Châu Thành có tỷ lệ mua báo Nhân Dân thấp nhất cả tỉnh với số lượng 17 tờ/kỳ, chiếm khoảng 5,1% tổng số chi, đảng bộ.

 

Hầu hết các đảng bộ xã, thị trấn và Huyện ủy Châu Thành đều không đặt mua báo Nhân Dân. Thậm chí các cơ quan tham mưu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị như: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Văn phòng Huyện ủy… đều không đặt mua báo Nhân Dân.

Theo số liệu thống kê của Công ty phát hành Báo chí Trung ương, sản lượng phát hành các ấn phẩm báo Nhân Dân hằng ngày trong những năm gần đây giảm. Số lượng đặt mua báo Nhân Dân tại nhiều địa phương giảm sút nghiêm trọng, tỷ lệ chi bộ đặt mua báo Đảng rất thấp. Tính đến hết năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 5% số chi bộ đặt mua báo Nhân Dân hằng ngày, Nam Định (15%), Bến Tre (15%), Phú Yên (17%), Quảng Trị (18%), Tiền Giang (19%), Bạc Liêu (19%), Điện Biên (20%), Hà Tĩnh (21%), Bình Thuận (22%)… và ngay tại Hà Nội cũng chỉ có 30% số chi bộ đặt mua báo Nhân Dân hằng ngày…

Trách nhiệm của các cấp ủy

Ngày 19/5/2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Việc mua và đọc báo Đảng tiếp tục được nhắc lại trong Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 11/7/2013 của Tỉnh ủy Nam Định về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay, cũng đã yêu cầu các tổ chức đảng: “Thực hiện nghiêm túc quy định mua và đọc báo, tạp chí của Đảng trong các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở”. Tuy nhiên, việc đặt mua báo Nhân Dân tại Đảng bộ tỉnh quá thấp.

Có một điểm chung ở các chi bộ mà chúng tôi khảo sát (thông qua bí thư chi bộ cho biết) tại tỉnh Nam Định thì đa số đảng viên trong chi bộ hiện tuổi đã cao, mắt kém cho nên ngại đọc báo nói chung, mà chủ yếu là nghe đài và xem truyền hình. Các đảng viên trẻ thì không có thời gian dành cho việc đọc và cũng ngại đọc báo giấy. Việc kiểm tra, đôn đốc việc đặt mua báo Đảng tại nhiều cấp ủy trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm túc.

Đoàn công tác Báo Nhân Dân làm việc tại tỉnh Đắk Nông về thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị.

Tin liên quan

Tăng cường sự lãnh đạo về mua, đọc báo, tạp chí của Đảng trên địa bàn Đắk Nông

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang Ngô Văn Vụ cho biết, ở địa phương lâu nay chỉ có tài liệu bản tin thông báo nội bộ (tài liệu sinh hoạt chi bộ hằng tháng) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang cấp phát. Việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng không còn được duy trì. Một thời gian dài, địa phương thấy việc mua báo, tạp chí giấy không được cán bộ, đảng viên xem trọng, cho nên rất lãng phí, trong khi nguồn kinh phí của địa phương cũng còn rất hạn chế.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang Phạm Nguyễn Hoàng Vũ cho biết: Ngày 19/6/2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Công văn số 467-CV/BTGTU tiếp tục đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh, Thường trực cấp ủy và Ban Tuyên giáo cấp huyện, tương đương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 29-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; đã khẳng định báo, tạp chí của Đảng là tài liệu sinh hoạt, tuyên truyền quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao trình độ lý luận chính trị, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Qua khảo sát thực tế tại các chi bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh Phú Yên cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các cấp ủy chưa quan tâm việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng; chưa có hình thức phù hợp để sử dụng hiệu quả các loại tài liệu, báo chí của Đảng được cung cấp, đặt mua.

Đồng thời, các cấp ủy đảng chưa thật sự quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng ở các cấp; buông lỏng công tác quản lý nhà nước đối với công tác mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cần kiểm tra chặt chẽ việc cấp và sử dụng kinh phí mua báo, tạp chí của Đảng, bảo đảm sử dụng kinh phí đúng nguyên tắc, đúng mục đích; khuyến khích mở rộng đối tượng thụ hưởng báo, tạp chí của Đảng…

“… Các cơ quan đảng, cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang, các loại doanh nghiệp cần cấp đủ kinh phí để mua báo và tạp chí của Đảng. Các địa phương, cơ sở, các cấp ủy đảng và chính quyền phải chủ động cấp kinh phí mua báo chí của Đảng. Các tỉnh ủy, thành ủy phải có sự chỉ đạo để bảo đảm cân đối kinh phí trên địa bàn. Kiểm tra chặt chẽ kinh phí để mua báo chí của Đảng ở các cấp. Thực hiện đúng nguyên tắc, đúng mục đích; không dùng kinh phí mua báo chí của Đảng để chi vào việc khác, hoặc mua các loại ấn phẩm khác…”.

Nguồn: Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 28/12/1996, của Bộ Chính trị (khóa VIII)