Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động: Chung tay gắn kết, hiệu quả thiết thực
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương. Không chỉ là sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm, đây còn là một trong các giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết việc làm tại Hà Nội.
Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Đông Anh, tháng 5-2024.
Những mô hình, cách làm hay
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương của thành phố, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội gắn kết với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã để mỗi phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại địa phương thực sự là ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp hữu ích.
Theo đó, có nhiều mô hình, cách làm hay được thực hiện thông qua các phiên giao dịch việc làm lưu động, phù hợp với điều kiện của các địa phương. Tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Nam Từ Liêm, công tác tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động cho các nhóm lao động yếu thế như học viên cai và sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong hình phạt tù... được đặc biệt quan tâm. Trong đó, lực lượng công an địa phương trực tiếp hỗ trợ giới thiệu người lao động diện này ngay tại phiên cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng công việc phù hợp như làm lái xe taxi, xe ôm công nghệ, bảo vệ…
Tại thị xã Sơn Tây, phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức trong không gian rộng lớn, với sự tham gia của không chỉ các doanh nghiệp, mà còn gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đem đến các thiết bị máy móc phục vụ trình diễn kỹ năng nghề, giúp học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông hình dung rõ hơn về các nghề, các công việc mà các em có thể lựa chọn.
Tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Đông Anh, ngoài trình diễn kỹ năng nghề, bố trí khu vực tư vấn tuyển dụng riêng biệt, Ban tổ chức còn bố trí khu vực để các trường nghề mang đến các mô hình thiết bị tự làm do chính sinh viên của các trường thực hiện. Đây là cách các trường nghề minh chứng về chất lượng đào tạo nghề, năng lực và tư duy sáng tạo của học viên, sinh viên.
Trong khi đó, tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hoàn Kiếm, công tác hỗ trợ vay vốn tạo việc làm được chú trọng, thậm chí Ban tổ chức còn trao hợp đồng vay vốn chính sách ưu đãi ngay tại phiên… Đặc biệt, tại hầu hết các phiên giao dịch việc làm lưu động hiện nay, Ban tổ chức đều bố trí gian hàng tư vấn cho đối tượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm hỗ trợ quyền lợi cho người lao động một cách tốt nhất, thuận tiện nhất.
Vì lợi ích của người lao động
Theo kế hoạch, trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và phòng lao động - thương binh và xã hội các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường phối hợp, tổ chức tối thiểu 18 phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa phương, rải đều theo các tháng. Từ đầu năm đến nay, đã có 11 phiên được tổ chức, đem đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại các địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, các phiên giao dịch việc làm lưu động thực sự mang ý nghĩa thiết thực, không chỉ cung cấp thông tin thị trường lao động, mà còn hỗ trợ người lao động trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp, mang tới nhiều cơ hội việc làm không quá xa nơi cư trú. Nếu chưa tìm được công việc phù hợp ngay, người lao động cũng có nhìn nhận, đánh giá chính xác hơn về thị trường lao động, chủ động trang bị những gì doanh nghiệp cần để sẵn sàng tham gia và thích nghi với thị trường lao động.
Lần đầu tiên tham gia phiên giao dịch việc làm quận Ba Đình (tổ chức ngày 18-5, tại Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh), em Nguyễn Đức Hậu, học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình chia sẻ: “Em đang học chuyên ngành Tin học, được thực hành kỹ năng thường xuyên và hiệu quả. Đến với phiên giao dịch việc làm lưu động này, em biết mình có thể tìm kiếm thông tin việc làm tin cậy ở đâu. Em sẽ chuyên tâm học tốt, bởi qua phiên giao dịch việc làm lưu động, dễ thấy người lao động có kiến thức, kỹ năng luôn được hỗ trợ kết nối giải quyết việc làm một cách hiệu quả”.
Thời gian tới, theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã về công tác tổ chức hiệu quả, phát huy hiệu quả các phiên giao dịch việc làm lưu động. Qua đó, góp phần đánh giá chính xác về thực trạng lao động, việc làm, làm cơ sở hoạch định chính sách lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
\
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân