Tọa đàm về vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội trong thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Thứ tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024 | 8:32

- Ngày 10/12, Phân hiệu Học viện hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức Tọa đàm khoa học mang chủ đề “Vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội trong thực hiện hệ mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Trình bày báo cáo đề dẫn, Tiến sĩ Đoàn Trường Thụ, Vụ trưởng, Trưởng ban Chính trị, Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Hệ mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đóng vai trò định hướng chiến lược trong xây dựng và phát triển đất nước.

Đây không chỉ là kim chỉ nam cho việc xây dựng các chính sách và chương trình hành động, mà còn thể hiện cam kết của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân về mục tiêu lâu dài.

Tiến sĩ cũng khẳng định hệ mục tiêu này cũng là sự khẳng định vai trò của nhân dân trong quá trình xây dựng đất nước, bởi “dân giàu”, “dân chủ” nhấn mạnh vai trò trung tâm của nhân dân, khẳng định rằng mọi chủ trương, chính sách, pháp luật đều phải hướng tới việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và bảo đảm quyền làm chủ của người dân.

Tọa đàm về vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội trong thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ảnh 1

Tiến sĩ Dương Huy Đức, Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền nam.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Đoàn Trường Thụ cũng chỉ ra rằng ở góc độ kinh tế, hệ mục tiêu cũng chính là cơ sở để xây dựng chính sách xã hội gắn liền với phát triển kinh tế, tạo môi trường sống hài hòa và nhân văn, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tiến sĩ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện hệ mục tiêu là khẳng định giá trị cốt lõi mà Việt Nam luôn đặt trọng tâm.

“Việc thực hiện hệ mục tiêu ấy cũng chính là sự kiến tạo nền tảng cho sự ổn định chính trị, phát triển, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định những giá trị của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tiến sĩ Đoàn Trường Thụ, Vụ trưởng, Trưởng ban Chính trị, Tạp chí Cộng sản

Ngoài ra, Tiến sĩ Đoàn Trường Thụ khẳng định rằng, việc thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì nhà nước, thị trường và xã hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Sự tương tác giữa nhà nước và thị trường để thực hiện mục đích giảm thiểu những bất bình đẳng và rủi ro từ sự cạnh tranh không lành mạnh, thị trường hỗ trợ nhà nước trong việc huy động vốn và nguồn lực cho phát triển.

 

Sự tương tác giữa nhà nước và xã hội là quá trình nhà nước tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình ra quyết định thông qua cơ chế dân chủ, xã hội thông qua các tổ chức hợp pháp của nó thực hiện chức năng giám sát và phản biện để bảo đảm nhà nước thực hiện đúng vai trò quản lý và bảo đảm quyền lực thực tế thuộc về nhân dân.

Tọa đàm về vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội trong thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ảnh 2

Trung tá, Tiến sĩ Lê Quân, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học, Trường đại học An ninh nhân dân phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Thế Hoài, Phó trưởng Khoa Luật, Trường đại học Sài Gòn xác định hệ mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong giai đoạn hiện nay.

Đây là những mục tiêu không tách rời nhau, bổ sung cho nhau, mục tiêu này làm cơ sở, điều kiện tiền đề cho mục tiêu kia.

Đó là những mục tiêu lâu dài, những giá trị bền vững, từng bước được thực hiện hóa trong quá trình đổi mới đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa để bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc từ các chuyên gia, tập trung vào định hướng và giải pháp để phát huy vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội trong thực hiện hệ mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Các đề xuất này không chỉ nhằm tối ưu hóa tiềm năng phát triển mà còn góp phần khẳng định giá trị cốt lõi và sự bền vững trong định hướng phát triển của Việt Nam.