Trắc trở về quê
Mọi năm, từ cuối tháng 10, chị Thảo (phường Tân thuận Tây, quận 7, TPHCM) đã lên kế hoạch và đặt mua vé cho cả gia đình về Quảng Ngãi đón Tết cùng gia đình. Riêng năm nay, đến giờ này, Tết sắp cận kề, chị Thảo mới quyết định được việc về quê.
“Chỉ có ít ngày để về quê nghỉ Tết, kết hợp giải quyết bao nhiêu thứ việc nhưng chính quyền tỉnh buộc người dân về đến nơi phải xét nghiệm và phải cách ly tại nhà hết một tuần, cho nên tôi không định về, dù rất muốn”, chị Thảo nói. Chị cũng cho hay, chỉ đến đầu tuần này, khi tỉnh Quảng Ngãi quyết định thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để người dân từ các vùng dịch tự do về quê và không bị cách ly thì chị mới quyết định cùng cả nhà về quê.
Tuy nhiên, hiện có rất ít địa phương đã thay đổi quyết định như Quảng Ngãi. Nhiều tỉnh, thành phố khác vẫn giữ quan điểm kiểm soát người dân về ăn Tết, nhất là những người về từ các địa phương từng là tâm dịch như TPHCM. Rào cản ngăn người dân về quê ăn Tết được chính quyền các địa phương dựng lên bằng nhiều cách thức khác nhau, kể cả bắt buộc như cách ly, xét nghiệm lẫn khuyến cáo, vận động. Điều đó khiến rất nhiều người ngần ngại, thậm chí từ bỏ ý định về quê đón Tết, không chỉ bởi khiến gia tăng chi phí mà còn bởi sự ức chế về tâm lý.
Chưa bao giờ hành trình sum vầy với gia đình dịp Tết đến, xuân về của người dân lại gặp nhiều trắc trở và “đắng lòng” như lúc này. Khi quê hương không đủ cơ hội việc làm và thu nhập, nhiều người dân đã buộc phải tha hương. Không chỉ kiếm kế nuôi bản thân và gia đình, họ còn chắt bóp từng đồng gửi về quê hỗ trợ người thân, nuôi con cái học hành. Chỉ chừng đó thôi, họ đã đóng góp rất nhiều cho quê hương. Chưa kể, họ còn đem về rất nhiều nguồn lực và cả những động lực khác cho quê hương, dù vô hình nhưng vô cùng quý giá. Song, khi dịch bùng lên, họ sa cơ lỡ vận và muốn trở về quê hương nương náu thì đã bị chính quê hương chối từ, ngăn cản với rất nhiều lý do. Giờ đây, khi Tết đến, những rào cản ấy lại tiếp tục được dựng lên dù không có cơ sở hay lý do nào chính đáng.
TPHCM cũng như một số địa phương khác vốn là tâm dịch, hiện đã trở thành “vùng xanh” và người dân đã được phủ kín vắc xin mũi 2, thậm chí mũi 3. Người dân cũng đã thích ứng với cuộc sống bình thường mới an toàn. Vậy thì có lý do gì để các địa phương khác phải phân biệt, đối xử với người về từ những “vùng xanh” an toàn?
Sự ngáng trở con đường trở về của người dân từ chính quyền các địa phương là khó có thể chấp nhận, dù với bất cứ lý do gì. Chưa kể điều đó hoàn toàn trái với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Mới đây Chính phủ cũng đã yêu cầu ngành chức năng thay đổi biện pháp quản lý, phòng chống dịch bệnh. Do vậy, việc ngăn sông cấm chợ càng không có lý do để tồn tại.
Tư duy quản lý “giấy phép con”, “ngăn sông cấm chợ” ở nhiều địa phương vẫn chưa thay đổi. Nó luôn hiện diện và bùng lên khi có cơ hội. Tư duy đó đang cản trở cuộc sống của người dân ở nhiều nơi.
Nguồn Tienphong.vn
https://tienphong.vn/trac-tro-ve-que-post1409429.tpo
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá