Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống

Thứ hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024 | 9:26

, tại kỳ họp lần thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), với nhiều quy định đặc thù tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế cho Hà Nội phát triển. Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Từ số báo này, Báo Hànộimới mở chuyên mục: Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống, mỗi tuần 2 kỳ, nhằm tuyên truyền, triển khai thi hành Luật Thủ đô kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư, ngày 21-11-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

hanoi.jpg

Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định, cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Nguyễn Quang

Thiếu các quy định cụ thể, đặc thù

Từ ngày 1-7-2013, Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực thi hành, các cơ chế, chính sách được ban hành của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô. Theo UBND thành phố Hà Nội, những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá (tăng 6,73%), đóng góp tích cực trong tăng trưởng của cả nước. Thành phố đã huy động được nguồn vốn đầu tư tương đối lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng; phát triển khoa học và công nghệ được đẩy mạnh; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân được bảo đảm và nâng cao…

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết còn chưa đạt kết quả như mong muốn do thiếu các quy định cụ thể về cơ chế đặc thù, phân cấp cho thành phố nhằm thực sự tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Điển hình, mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước với sức chống chịu khá tốt trước những tác động
từ bên ngoài và đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Việc khai thác các nguồn lực, đặc biệt là đất đai và các nguồn lực như: Nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và các tập đoàn kinh tế lớn chưa hiệu quả. Nhiều dự án lớn có từ trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô chậm được triển khai, vướng mắc, khó giải quyết. Các thị trường nguồn lực đầu vào cho phát triển Thủ đô chưa đồng bộ, thành phố chưa đáp ứng yêu cầu tiên phong, đi đầu trong đổi mới kinh tế.

Về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường, khó khăn nổi lên là tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều. Đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng, việc xử lý ô nhiễm không khí, kiểm soát và xử lý nước thải sinh hoạt còn thấp, chậm cải thiện. Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, hạ tầng giao thông công cộng và kết nối liên vùng, đặc biệt là vùng ven đô còn nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (công trình giao thông, nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên,…) còn chậm. Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ.

Với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, nổi lên tình trạng bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế của Thủ đô. Hệ thống thiết chế văn hóa cả ở cấp thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc xã hội hóa và huy động, sử dụng nguồn lực xã hội trong lĩnh vực văn hóa còn bất cập.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Thủ đô. Hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học công nghệ thành phố, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp còn hạn chế; việc kết nối giữa hoạt động nghiên cứu với thị trường, doanh nghiệp nhìn chung còn yếu. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng đào tạo nghề, nhất là lao động nông thôn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động...

Đâu là nguyên nhân?

Một trong những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ bất cập trong quy định của Luật Thủ đô 2012 và văn bản quy định chi tiết. Một số quy định của Luật Thủ đô 2012 chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu những cơ chế đặc thù, cụ thể để thực hiện. Bên cạnh đó, sau khi Luật Thủ đô 2012 được ban hành và có hiệu lực, nhiều đạo luật chuyên ngành đã được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, quy định khác với Luật Thủ đô 2012 về cùng một vấn đề, điển hình là Luật Cư trú. Kéo theo đó, điều kiện "cư trú" để làm giảm tăng dân số cơ học của Thủ đô là ưu điểm vượt trội của Luật Thủ đô 2012, nhưng đã bị "vô hiệu" sau khi có Luật Cư trú được ban hành.

Thực tế nêu trên đã khiến những điều khoản của Luật Thủ đô 2012 không còn là giá trị riêng có Thủ đô, bị các luật ban hành sau vô hiệu theo nguyên tắc áp dụng pháp luật. Đồng thời, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền ban hành của thành phố, theo thứ bậc pháp lý thấp hơn các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, nên khi các luật, nghị định, thông tư được ban hành thì nhiều nội dung đặc thù được giao cho Thủ đô Hà Nội quy định chi tiết đã bị vô hiệu hóa.

Thực tế này đòi hỏi phải xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

\