Trực 24/7 để xử lý, tháo gỡ vướng mắc về hóa đơn điện tử
Từ ngày 1/7/2022 tất các cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai có sử dụng hóa đơn bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu các tổ thường trực hóa đơn điện tử, từ trung ương đến các cục thuế địa phương, phải thường trực 24/7 để kịp thời xử lý tháo gỡ, các vướng mắc phát sinh.
Gần 100% doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử
Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho hay, ngay sau lễ công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc, cơ quan thuế các cấp đã quyết liệt triển khai trên toàn hệ thống.
Tính đến trưa ngày 30/6/2022, có 99,98% doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, đây là kết quả rất tích cực và tự hào của toàn hệ thống thuế, cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống, sự đồng lòng, nhất trí, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử
Về cơ bản, các địa phương đều đạt tiến độ rất tốt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tỷ lệ đăng ký, cơ quan thuế các cấp không chủ quan.
Để hóa đơn điện tử đi vào cuộc sống được thuận lợi, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Tổ thường trực hóa đơn điện tử tại Tổng cục Thuế, Ban chỉ đạo hóa đơn điện tử tại các cục thuế và hệ thống trung tâm điều hành hóa đơn điện tử từ trung ương đến các cục thuế phải thường trực 24/7 để kịp thời tháo gỡ, xử lý các vướng mắc phát sinh.
Đồng thời, cơ quan thuế các cấp triển khai các giải pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử và các công cụ khai thác, phân tích, quản lý, sử dụng hiệu quả dữ liệu từ hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý thuế; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích, đối soát dữ liệu hóa đơn điện tử, quản lý, phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; trao đổi thông tin hóa đơn điện tử giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả…
Đẩy mạnh khuyến khích người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong triển khai hóa đơn điện tử trên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết: Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các sở, ban, ngành ở địa phương đã góp phần triển khai thành công hóa đơn điện tử giai đoạn 1 và hoàn thành giai đoạn 2 theo kế hoạch.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định số 123/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử rất đa dạng với nhiều loại hình kinh tế và cách thức quản lý khác nhau. Do đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai phù hợp để đảm bảo kế hoạch và không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.
Mặt khác, hóa đơn điện tử được triển khai trên toàn quốc với các địa bàn có tình hình kinh tế - xã hội khác nhau. Do đó, ngành Thuế đã chủ động phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người nộp thuế kịp thời tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng khi triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cũng là vấn đề mà ngành Thuế đã xác định và triển khai ngay từ khi bắt đầu với việc thành lập các trung tâm điều hành tại Tổng cục Thuế, 63 cục thuế và thành lập các tổ xử lý vấn đề tại từng chi cục thuế nhằm nhanh chóng nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế trong thực hiện, đảm bảo việc triển khai không gây ảnh hưởng, cũng như sự khó khăn cho người nộp thuế.
Ông Phạm Quang Toàn, trong thời gian tới, cơ quan thuế tiếp tục tổ chức tiếp nhận và xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp mới; tiếp nhận và cấp mã cơ quan thuế cho hóa đơn điện tử của doanh nghiệp thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã; tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế...; đẩy mạnh các hình thức khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế thông qua các hoạt động như quay số hóa đơn may mắn...
Việc triển khai hóa đơn điện tử đã và đang góp phần thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính, cũng như trong các cơ quan nhà nước khác.
Đồng thời, triển khai hóa đơn điện tử còn góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động, nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.
- Hệ thống hóa pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa quy định về sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2024
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2024