Trung Quốc độc quyền đất hiếm - sự lợi hại trong các cuộc chiến thương mại
Trung Quốc nhanh chóng trở thành cường quốc về đất hiếm nhờ một chiến lược dài hạn và đầu tư mạnh mẽ. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu, đất hiếm trở thành một công cụ cạnh tranh chiến lược
Chiếm thị phần độc quyền về đất hiếm cả chục năm
Từ những năm 1980, chính phủ Trung Quốc nhận ra tầm chiến lược quan trọng của đất hiếm nên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp này.
Năm 1987, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố nếu Trung Đông có dầu thì Trung Quốc có đất hiếm khi đi thăm Bayan Obo, Nội Mông, nay là mỏ đất hiếm lớn nhất và được khai thác nhiều nhất thế giới.
Năm 1993, Trung Quốc dẫn đầu thị trường đất hiếm với 38% sản lượng toàn cầu được khai thác và chế biến tại nước này, Mỹ bám sát phía sau với 33% thị phần; Úc, Malaysia, và Ấn Độ cũng có vai trò quan trọng trong ngành.
Đến năm 2011, Trung Quốc chiếm tới 97% sản lượng toàn cầu. Thị phần độc quyền trong lĩnh vực đất hiếm của Trung Quốc gần như không thay đổi trong 10 năm qua.
Câu chuyện đất hiếm của Trung Quốc bắt nguồn từ những khám phá quặng đất hiếm đầu tiên tại Bayan Obo vào năm 1927. Tuy nhiên, phải đến những năm 1950, khi nhận ra tầm quan trọng chiến lược của loại tài nguyên quý giá này, Trung Quốc mới bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào khai thác và chế biến đất hiếm.
Mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới, Bayan Obo, nằm tại Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: The Sunday Guardian
Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Nhóm lãnh đạo phát triển và ứng dụng đất hiếm quốc gia vào năm 1975, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm.
Với trữ lượng khổng lồ và sự hỗ trợ toàn diện từ nhà nước, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng một chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh, từ khai thác, tinh chế đến sản xuất các sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, chính sách ưu đãi đầu tư và chi phí lao động thấp cũng là những yếu tố quan trọng giúp Trung Quốc thu hút các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Trong suốt những năm 1980 và 1990, Trung Quốc không ngừng tăng cường vị thế của mình trên thị trường đất hiếm. Với những khoản đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và công nghệ tinh chế, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một "cường quốc đất hiếm".
Đến cuối thập niên 1980, đất hiếm Trung Quốc đã tràn ngập thị trường thế giới với giá cả cạnh tranh, buộc nhiều đối thủ phải rút lui.
Sự thống trị của Trung Quốc càng được củng cố vào những năm 1990, khi Bắc Kinh phân loại đất hiếm là “khoáng sản được bảo vệ mang tính chiến lược” nhằm hạn chế quyền tiếp cận của nước ngoài, đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nước ngoài không được phép khai thác đất hiếm, chỉ được chế biến đất hiếm khi thành lập liên doanh với một công ty Trung Quốc - và phải được chính phủ chấp thuận.
Đất hiếm trở thành công cụ cạnh tranh chiến lược
Đến năm 2005, những biện pháp này được bổ sung bằng các chính sách hạn ngạch sản xuất, lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm cô đặc, áp thuế xuất khẩu đối với oxit đất hiếm và kim loại. Đây cũng là lúc các tác động nghiêm trọng đối với môi trường và sức khoẻ nhận được sự chú ý từ Bắc Kinh, phần lớn là do các quy định lỏng lẻo và kỹ thuật lỗi thời.
Để giải quyết các vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đã quyết định can thiệp mạnh mẽ. Từ năm 2010, Bắc Kinh công bố dự thảo chiến lược nhằm hợp nhất ngành công nghiệp đất hiếm, giảm số lượng mỏ và nhà máy và siết chặt các quy tắc bảo vệ môi trường.
Những chính sách này nhằm giải quyết tình trạng công suất quá mức, ô nhiễm nặng nề và quản lý tài nguyên kém. Năm 2011 và 2012, Kế hoạch cải cách ngành đất hiếm được Quốc vụ Viện ban hành.
Những nỗ lực củng cố tiếp theo, đặc biệt là Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc thúc đẩy vào năm 2016, làm giảm đáng kể số lượng doanh nghiệp được phép tham gia khai thác và chế biến đất hiếm xuống còn 4 công ty.
Đến năm 2021, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc được hợp nhất từ một loạt doanh nghiệp khác, chiếm 70% tổng hoạt động sản xuất đất hiếm trong nước.
Trong giai đoạn cải cách này, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát lĩnh vực đất hiếm thông qua việc xây dựng các kho dự trữ chiến lược và giới thiệu thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm cuối cùng sử dụng đất hiếm.
Những chính sách trên khiến cơ cấu của lĩnh vực đất hiếm Trung Quốc thay đổi hoàn toàn, với số lượng đất hiếm được xuất khẩu giảm từ 90% vào năm 2000 xuống còn 20% vào năm 2012. Điều này cũng tạo nên nguồn cung đất hiếm giá rẻ và dồi dào trong nước, kịp thời hỗ trợ mạnh mẽ các lĩnh vực công nghệ mới nổi của Trung Quốc như năng lượng sạch và xe điện.
Giá đất hiếm rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị, như năm 2010 khi Trung Quốc quyết định ngừng xuất khẩu đất hiếm tạm thời sang Nhật Bản đã làm giá tăng vọt. Nguồn: Stratfor
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đất hiếm trở thành một công cụ cạnh tranh chiến lược. Đối với nhiều quốc gia phương Tây, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào một nguồn cung duy nhất từ Trung Quốc đang làm dấy lên những lo ngại về an ninh quốc gia và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Các nỗ lực đang được triển khai trên khắp thế giới để đa dạng hoá các nguồn đất hiếm và phát triển năng lực chế biến trong nước. Tuy nhiên, sáng kiến này đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm chi phí phát triển công nghệ chế biến rất cao và luật bảo vệ môi trường nghiêm ngặt tại nhiều quốc gia.
Đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, đất hiếm có thể được sử dụng như một vũ khí thương mại trong cuộc cạnh tranh kinh tế giữa cả hai bên. Minh họa rõ nhất là khi Mỹ áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến đối với Trung Quốc vào năm 2022; năm 2023, Trung Quốc đáp trả bằng lệnh cấm xuất khẩu toàn bộ công nghệ chế biến đất hiếm.
Trong bối cảnh này, các quốc gia cũng cần có những chính sách phù hợp để quản lý rủi ro và tận dụng cơ hội trong một lĩnh vực đất hiếm. Đặc biệt với Việt Nam, khi chúng ta có nguồn dự trữ đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/11/2024: Một nhà băng tăng mạnh, cán mốc 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/11/2024: Agribank 'vô địch' nhóm Big4 kỳ hạn ngắn
- Những cam kết chính sách của ông Trump sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
- Fed tiếp tục giảm lãi suất, giá vàng tăng vọt trở lại, chứng khoán lập đỉnh
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 7/11/2024: Ngân hàng Big4 liên tục tăng lãi huy động
- Hơn 1,2 triệu tỷ trong Quỹ BHXH: Là số dư sổ sách, không phải tiền ở tài khoản
- Giá USD ngân hàng diễn biến trái chiều
- Giá USD ngân hàng và USD tự do hôm nay tăng trở lại