Trung Quốc liệu có “giải cứu” được thị trường bất động sản?
Thị trường bất động sản Trung Quốc đã "sa lầy" trong nợ nần trong vài năm qua. Những tai ương của thị trường bất động sản nước này được cho là vẫn còn hiện hữu, song Bắc Kinh khẳng định không có khủng hoảng.
Nhiều "ông lớn" BĐS Trung Quốc thua lỗ nặng
Theo ước tính của Bloomberg, tình trạng sụt giảm nhà ở chưa từng có của Trung Quốc và việc ngừng xây dựng đã khiến các nhà phát triển bất động sản tại quốc gia này điêu đứng. Doanh thu bất động sản năm vừa qua lao dốc mạnh và chạm mức thấp nhất 7 năm.
Rất nhiều tài sản của các hộ gia đình tại đô thị ở Trung Quốc gắn liền với bất động sản. (Ảnh minh họa: KT)
Trong số 60 công ty bất động sản niêm yết ở Trung Quốc đại lục đưa ra thông báo về lợi nhuận trước hạn vào ngày 31/1/2023, có tới 60% thua lỗ trong năm ngoái. Cuộc khủng hoảng tín dụng đã gây ra làn sóng chấn động khắp ngành bất động sản và dẫn đến tình trạng vỡ nợ của một số “ông lớn” trong ngành.
Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy thị trường bất động sản để phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế từng bị tê liệt sau ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Thị trường bất động sản Trung Quốc năm 2022 đã chứng kiến đợt suy giảm trầm trọng nhất trong thời gian gần đây. Doanh số bán bất động sản giảm nhanh hơn so với trước đó; đầu tư bất động sản cũng giảm lần đầu tiên tính từ khi các số liệu được tính toán từ cách đây hơn 1 thập kỷ.
Mạnh tay "giải cứu" thị trường BĐS
Mới đây, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng hàng loạt chính sách, như kế hoạch nới lỏng vay vốn cho các nhà phát triển bất động sản, giải quyết nguy cơ “khát” vốn. Các nhà chức trách cũng đang xem xét đưa ra tỉ lệ thế chấp thấp hơn để thúc đẩy giao dịch bất động sản.
Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch "giải cứu" thị trường bất động sản của Trung Quốc là thay vì hỗ trợ trên toàn ngành, Chính phủ đang chủ yếu hỗ trợ các công ty mạnh trên thị trường.
Ủy ban Phát triển và Ổn định tài chính Trung Quốc (FSDC) đã yêu cầu các cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán hỗ trợ củng cố bảng cân đối kế toán của các công ty phát triển bất động sản quan trọng và không gặp vấn đề về kiểm toán cũng như chưa từng có vi phạm nghiêm trọng.
Thị trường bất động sản đóng góp khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: CNBC)
Báo cáo của IMF chỉ ra rằng, một lượng lớn các nhà đầu tư vào trái phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tính đến tháng 11/2022, nhiều công ty bất động sản đã vỡ nợ hoặc có khả năng vỡ nợ cao - giá trái phiếu trung bình dưới 40% mệnh giá chứng khoán - đại diện cho 38% thị phần năm 2020 của các công ty.
IMF nhận định, cuộc khủng hoảng bất động sản "vẫn chưa được giải quyết" và tăng trưởng của nước này vẫn "chịu áp lực".
Theo Economist, chương trình “giải cứu” hiện tại của chính quyền Trung Quốc có thể giúp khôi phục thị trường bất động sản của quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng nếu Chính phủ không có những cải cách thực sự thì lĩnh vực này sẽ lặp lại chu kỳ bùng nổ-suy thoái như vừa qua.
Về phía Trung Quốc, lại có quan điểm trái ngược, khi cho rằng thị trường bất động sản của nước này nhìn chung “hoạt động trơn tru” và không ở trong tình trạng “khủng hoảng”./.
Nguồn: VOV
- Đối thủ tăng thần tốc, báo động thế mạnh top 1 thế giới của Việt Nam
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/11/2024: Một nhà băng tăng mạnh, cán mốc 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/11/2024: Agribank 'vô địch' nhóm Big4 kỳ hạn ngắn
- Những cam kết chính sách của ông Trump sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
- Fed tiếp tục giảm lãi suất, giá vàng tăng vọt trở lại, chứng khoán lập đỉnh
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 7/11/2024: Ngân hàng Big4 liên tục tăng lãi huy động
- Hơn 1,2 triệu tỷ trong Quỹ BHXH: Là số dư sổ sách, không phải tiền ở tài khoản
- Giá USD ngân hàng diễn biến trái chiều