Trừng phạt dầu Nga và tác động tới châu Âu, thế giới
Nỗ lực trừng phạt dầu Nga của châu Âu có thể tác động đáng kể đến châu lục này và cả thế giới.
Các nước Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cấm sản phẩm làm từ dầu Nga (dầu tinh chế) vận chuyển qua đường biển từ ngày 5-2 vừa qua, cùng với việc áp giá trần toàn cầu để gây thêm áp lực lên nguồn doanh thu của Moscow. Cụ thể, các nước EU và nhóm bảy nền kinh tế tiên tiến thế giới (G7) ngừng mua các sản phẩm tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu khí và dầu mazut. Mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu cũng có hiệu lực từ ngày 5-2.
Tuy nhiên, theo hãng tin Anadolu, các chuyên gia trong ngành lo ngại rằng động thái này có thể phản tác dụng và có tác động sâu sắc đến thị trường năng lượng châu Âu so với các nước khác. Các gói trừng phạt, áp giá trần lên dầu Nga không chỉ tác động riêng đến nền kinh tế Nga mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế EU và thị trường toàn cầu.
Châu Âu và “gót chân Achilles”
Ông Julien Mathonniere, nhà kinh tế thị trường dầu mỏ tại Energy Intelligence Group, cho rằng lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu của Nga và việc áp trần giá sẽ có tác động sâu sắc nhưng có thể không phải ngay lập tức, bởi các nước phương Tây đã có thời gian để dự trữ sản phẩm. “Dữ liệu cho thấy hàng tồn kho sản phẩm tăng lên, không chỉ ở châu Âu mà giờ đây còn ở Mỹ. Thị trường này đã vượt lên dẫn trước và tích lũy quá nhiều hàng tồn kho đến mức giá tương lai của dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (ICE) đang giảm” - ông nói. ICE (hay dầu thô ngọt) là loại dầu thô có ít hơn 0,5% lưu huỳnh, thường được dùng cho tàu vận tải lớn.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman nói “tất cả động thái gọi là trừng phạt và lệnh cấm vận từ phương Tây sẽ đẩy thị trường thế giới tới một viễn cảnh duy nhất - đó là thiếu nguồn cung của tất cả loại nhiên liệu quan trọng trên thị trường”.
Ông Nakhle cho rằng dầu diesel sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì nó dễ bị tổn thương hơn về nguồn cung. “Không có dầu diesel, một số nền kinh tế không thể hoạt động” - ông nhấn mạnh. Đồng quan điểm, ông Mathonniere cũng cho rằng dầu diesel là “gót chân Achilles” của khu vực về nguồn cung sản phẩm, khi mà mỗi ngày châu Âu nhập khoảng 500.000 thùng dầu từ Nga, gồm dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp (ULSD). Ông lưu ý rằng Nga chiếm gần một nửa lượng nhập khẩu dầu diesel của 27 nước EU vào năm ngoái hoặc khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ dầu diesel của khối. “Châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng thâm hụt dầu diesel” - ông nói, đồng thời cảnh báo về triển vọng giá cao hơn trong thời gian dài hơn và tác động kinh tế đối với ngành vận tải, công nghiệp và cả nông nghiệp châu Âu.
Người đàn ông đổ dầu cho xe tại một trạm xăng dầu ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Ảnh: REUTERS |
Thế giới cũng chịu ảnh hưởng
Theo hãng tin Bloomberg, nỗ lực của phương Tây đối với dầu Nga có thể đặt ra nhiều thách thức hơn cho thị trường dầu mỏ thế giới. Giới quan sát cho rằng trong thời gian đầu của lệnh cấm vận, sự gián đoạn nguồn cung của một số loại sản phẩm dầu sẽ xảy ra. Ông Matthew Sherwood, nhà phân tích tại Tổ chức Dự báo và tư vấn kinh tế (EIU) có trụ sở ở Anh cho biết sau khi cấm vận dầu Nga, EU buộc phải tìm các nguồn cung khác thay thế, chính điều này sẽ gây áp lực tăng giá đối với các sản phẩm dầu mỏ trên thị trường thế giới.
Theo ông Sherwood, giá dầu diesel tại Mỹ và châu Âu gần đây tăng vọt, nguyên nhân là do EU tăng cường nhập khẩu dầu diesel từ Nga để rót đầy kho dự trữ của khối này trước khi các lệnh cấm vận có hiệu lực. Ngoài ra, ông Sherwood còn dự đoán rằng việc thiếu nguồn cung từ Moscow sẽ khiến EU phải cạnh tranh nguồn cung với các nước khác trên thế giới, điều này có thể đẩy giá dầu tăng liên tục trong thời gian tới.
Các nhà phân tích tại EIU cho rằng sẽ có một số thay đổi đối với dòng chảy của dầu. Nga sẽ vận chuyển nhiều dầu hơn đến Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, trong khi châu Âu tăng cường nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông và Mỹ. Điều đó có nghĩa là giá thị trường dầu thế giới sẽ tăng cao do gánh nặng hậu cần và chi phí vận chuyển.
Theo giới quan sát, việc thị trường năng lượng thế giới nói chung và thị trường dầu mỏ nói riêng có bị ảnh hưởng sau lệnh cấm vận từ EU hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng khối EU và Nga có tìm được những đối tác thay thế lâu dài hay không. Nếu hai bên đều thành công trong việc tìm nguồn cung mới, áp lực giá cả sẽ không đáng kể và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ngược lại, lệnh cấm vận sẽ tạo ra sự gián đoạn lớn đối với các ngành phụ thuộc vào dầu diesel, đồng thời giá nhiên liệu tăng cũng sẽ làm suy yếu nỗ lực của thế giới trong cuộc chiến chống lại lạm phát.
EU đã thông qua những biện pháp trừng phạt gì cho đến nay?
EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hồi năm 2014 và hồi tháng 2-2022, cũng như việc Nga sáp nhập các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson của Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt hiện bao gồm các biện pháp hạn chế có mục tiêu (các biện pháp trừng phạt cá nhân), các biện pháp trừng phạt kinh tế và các biện pháp cấp thị thực. Mục đích của các biện pháp trừng phạt kinh tế là gây sức ép lên Nga và ngăn nước này tiếp tục các hành động như trên. EU cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Belarus do cáo buộc Minsk tham gia vào chiến sự Nga - Ukraine, cũng như lên Iran liên quan cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo cung cấp máy bay không người lái cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
Nguồn: https://plo.vn/
- Đối thủ tăng thần tốc, báo động thế mạnh top 1 thế giới của Việt Nam
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/11/2024: Một nhà băng tăng mạnh, cán mốc 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/11/2024: Agribank 'vô địch' nhóm Big4 kỳ hạn ngắn
- Những cam kết chính sách của ông Trump sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
- Fed tiếp tục giảm lãi suất, giá vàng tăng vọt trở lại, chứng khoán lập đỉnh
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 7/11/2024: Ngân hàng Big4 liên tục tăng lãi huy động
- Hơn 1,2 triệu tỷ trong Quỹ BHXH: Là số dư sổ sách, không phải tiền ở tài khoản
- Giá USD ngân hàng diễn biến trái chiều