Tỷ giá lại tăng, chính sách tiền tệ đứng trước "ngã ba đường"

Thứ năm, ngày 24 tháng 10 năm 2024 | 13:18

Mặc dù thông điệp gần đây của ngành ngân hàng vẫn là đẩy mạnh mở rộng dòng tiền hỗ trợ tăng trưởng, nhưng những diễn biến tỷ giá ngắn hạn đang tăng nhiệt dần và một số phiên gần đây Ngân hàng Nhà nước đã có động thái bán tín phiếu trên thị trường mở, tương ứng với tín hiệu hút tiền ở mức độ nhẹ.

Tỷ giá lại tăng, chính sách tiền tệ đứng trước
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Tỷ giá lại tăng nhiệt

Từ đầu tháng 10 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo hướng tăng. Cụ thể, tỷ giá trung tâm hôm 1/10 chỉ là 24.081 đồng/USD, nhưng đã tăng dần và đến ngày 22/10 ghi nhận mức 24.240 đồng/USD. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra do Vietcombank công bố sáng 22/10 ở mức 25.452 đồng/USD. Diễn biến này cho thấy mặt bằng tỷ giá hiện đã tiến gần sát thời kỳ tỷ giá tăng nóng đã từng diễn ra hồi tháng 4/2024.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ

NHNN cho biết sẽ vẫn hỗ trợ vốn, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng và quan hệ tỷ giá. Tín dụng vẫn sẽ tập trung cho các dự án trọng điểm, các dự án BOT, các chương trình tín dụng ngành, tín dụng chính sách.

Một trong những lý do khiến tỷ giá giữa đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ tăng mạnh là sự phục hồi khá mạnh mẽ của đồng USD trên thị trường quốc tế. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD sau khi giảm sâu xuống dưới 101 điểm hồi cuối tháng 9 đã trở lại xu hướng tăng, đến sáng ngày 22/10 theo giờ Việt Nam đã tiến sát mốc gần 104 điểm.

Đồng USD tăng được hỗ trợ bởi sự gia tăng lợi suất trái phiếu Mỹ, cùng với một loạt dữ liệu kinh tế vững chắc. Ngoài ra, các yếu tố kinh tế của Mỹ cũng đang được hậu thuần từ các yếu tố chính trị, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra. Ông Vũ Đức Nam - Giám đốc Đầu tư Công ty Art Investor cho biết, theo dõi dữ liệu quá khứ thì có tới 80% các năm có diễn ra bầu cử thì nền kinh tế Mỹ đều có các diễn biến tích cực.

Diễn biến của nền kinh tế Mỹ hiện tại khiến giới tài chính đánh giá rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có đủ khả năng để thực hiện việc cắt giảm lãi suất một cách bình tĩnh và thận trọng hơn so với các dự báo trước đây. Tại thời điểm hồi cuối tháng 9, nhiều nhà phân tích dự báo FED có thể giảm mạnh lãi suất tới 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11, nhưng đến thời điểm hiện tại, các dự báo đã có nhiều thay đổi, thiên về khả năng FED sẽ chỉ giảm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tới. Công cụ dự báo hành động của FED (FEDWatch) ghi nhận tại thời điểm sáng ngày 22/10 theo giờ Việt Nam cho thấy xác suất lên tới 88% về khả năng FED chỉ giảm 25 điểm cơ bản (xuống mức 4,5 - 4,75%) tại cuộc họp ngày 8/11.

Thế khó cho chính sách tiền tệ

Diễn biến tỷ giá đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ nếu tiếp tục tăng có thể sẽ gây ra thế khó cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam với mục tiêu mong muốn vẫn là nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng.

Trong thông điệp đưa ra gần đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN vẫn khẳng định quan điểm chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, diễn biến trong quá khứ 1 năm qua cho thấy nếu tỷ giá tăng nóng, NHNN có lúc vẫn phải tạm thời thực hiện các hành động thắt chặt tiền tệ ở mức độ nhẹ để kiểm soát tỷ giá, trong đó biện pháp thông thường được NHNN thực hiện là bán tín phiếu trên thị trường mở để hút tiền về NHNN.

Hai giai đoạn bán tín phiếu đáng chú trong thời gian qua là giai đoạn hồi tháng 9 đến tháng 10/2023 và giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4/2024. Hai thời kỳ này đều là giai đoạn tăng nóng của tỷ giá và hành động hút bớt tiền từ hệ thống ngân hàng thông qua bán tín phiếu của NHNN được coi là động thái tạm thời có tính chất thặt chặt tiền tệ ở mức độ nhẹ. Việc này tuy chưa ảnh hưởng đến việc cung ứng vốn và lãi suất cho vay của các ngân hàng, nhưng cũng có tác động khá mạnh mẽ đến thị trường tài chính. Chỉ số VN-Index hồi tháng 9 - 10/2023 đã rớt rất mạnh từ mốc trên 1.260 điểm xuống vùng 1.020 điểm vào cuối tháng 10/2023, còn giai đoạn tháng 3 - 4/2024 đã giảm từ mốc trên 1.290 điểm vào cuối tháng 3 xuống vùng 1.170 điểm vào cuối tháng 4/2024.

Những ngày gần đây, NHNN cũng bắt đầu có một số động thái bán tín phiếu trên thị trường mở, cụ thể, ngày 18/10, NHNN bán ra 12,3 nghìn tỷ đồng tín phiếu, với 4,4 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 7,9 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày; ngày 21/10 bán ra 21,65 nghìn tỷ đồng, với 2,9 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 17,75 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Lãi suất tín phiếu trong những ngày này ghi nhận ở mức 3,74% với kỳ hạn 14 ngày và 4% với kỳ hạn 28 ngày.

Luật hóa quy định về bảo lãnh nhà ở chưa hình thành

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2022/TT-NHNN (Thông tư 11) quy định về bảo lãnh ngân hàng. Thông tư mới sẽ luật hóa nhiều quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo NHNN, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 11 sẽ giúp phản ánh đầy đủ hơn thực tế của hoạt động bảo lãnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động bảo lãnh đối với việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Về cơ bản, dự thảo Thông tư mới đã làm sáng rõ nhiều khái niệm liên quan đến: Điều kiện thực hiện bảo lãnh, thời hạn văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh, nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, đồng thời bổ sung thêm các quy định liên quan đến chữ ký điện tử, cung cấp thông tin dữ liệu khách hàng…

Thông tư mới cũng đảm bảo tương thích với các quy định tại Điều 26, Luật Kinh doanh bất động sản về quyền lựa chọn bảo lãnh của khách hàng là người mua nhà. Theo đó, khách hàng có thể chọn lựa mua nhà tại dự án mà chủ đầu tư được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính hoặc các dự án khác không có sự tham gia bảo lãnh của ngân hàng.

Phía ngân hàng cũng sẽ không có quyền và trách nhiệm chủ động yêu cầu chủ đầu tư đề nghị phát hành bảo lãnh. Chỉ khi nào chủ đầu tư đề nghị ngân hàng phát hành bảo lãnh thì các TCTD mới thực hiện các nghiệp vụ về bảo lãnh và yêu cầu các chủ đầu tư cung cấp hợp đồng mua bán cũng như các thông tin liên quan.

Trên thực tế, một số NHTM cho rằng, có thể sẽ xuất hiện một số trường hợp gây lúng túng cho phía ngân hàng trong việc xác định giá trị bảo lãnh. Chẳng hạn, trường hợp người mua nhà ban đầu chọn lựa không có bảo lãnh và đã thanh toán một phần giá trị mua bán cho chủ đầu tư, nhưng sau đó chuyển nhượng tài sản cho người mua khác có nhu cầu tham gia bảo lãnh. Thậm chí, một số chủ đầu tư đã tham gia bảo lãnh nhưng sau đó chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác.

Về vấn đề này, theo quan điểm của Ban soạn thảo, tạm thời chưa đưa vào trong các quy định của Dự thảo Thông tư mới. Tuy nhiên, trong thời gian tới Ban soạn thảo sẽ tham khảo thêm ý kiến từ Bộ Xây dựng để hoàn thiện các quy định một cách hợp lý và hợp pháp.