Phát biểu tại phiên bế mạc, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong thời gian tới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển về số lượng, mở rộng về địa bàn, đa dạng hơn về thành phần. Cộng đồng tiếp tục hội nhập sâu vào xã hội sở tại trên tất cả các mặt và ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng mong muốn bà con tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tuân thủ pháp luật và hội nhập tích cực, đóng góp cho sự phát triển của sở tại; giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếng Việt, tiếp tục đóng góp tâm huyết, trí, lực cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Trong quá trình đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cộng đồng.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tin tưởng, với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, trên cơ sở nền tảng thành quả đã đạt được trong những năm qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ ngày càng phát triển, đạt được những bước tiến xa hơn, vì một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, vững mạnh, phát triển, chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao trao Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao và Giấy khen của Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tặng một số tập thể, cá nhân có những đóng góp quan trọng và nổi bật trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Các đại biểu chia sẻ về ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. |
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV, bốn phiên chuyên đề lắng nghe các tham luận và ý kiến thảo luận của đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương, cùng trí thức, chuyên gia, doanh nhân, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại Phiên chuyên đề “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”, các chuyên gia, học giả người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ thực trạng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) ở sở tại, tiềm năng hợp tác trong các ngành này giữa Việt Nam và quốc tế. Qua đó, các đại biểu kiến nghị giải pháp cho sự phát triển ngành, cũng như nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và AI tại Việt Nam.
Phiên chuyên đề “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước” lắng nghe các chia sẻ về thực tiễn và kinh nghiệm của doanh nhân kiều bào trong xúc tiến đầu tư tại Việt Nam, giải pháp thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa doanh nghiệp kiều bào và địa phương Việt Nam, chiến lược và giải pháp xúc tiến thương mại hàng Việt Nam ở nước ngoài…
Phiên chuyên đề “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”. |
Tại Phiên chuyên đề “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”, các đại biểu tập trung thảo luận về những kinh nghiệm, biện pháp tăng cường công tác đại đoàn kết dân tộc; vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài; ý kiến, nguyện vọng của kiều bào về chính sách, pháp luật…
Phiên chuyên đề “Kiều bào-Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt” trao đổi về tình hình và các biện pháp giữ gìn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; duy trì và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng.