Việt Nam trước cơ hội lớn phát triển ngành Halal trở thành thế mạnh

Thứ hai, ngày 28 tháng 10 năm 2024 | 10:22

Với quy mô dân số Hồi giáo toàn cầu đạt gần 1,94 tỷ người vào năm 2022 và dự kiến tăng lên 2,8 tỷ vào năm 2050, ngành Halal đang mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng này, trong đó có Việt Nam.

Ngành Halal không chỉ mang đến cơ hội tăng trưởng kinh tế mà còn giúp Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm toàn cầu.

Với sự quan tâm của Chính phủ và sự hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để vươn lên trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal đáng tin cậy, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Thị trường Halal - tiềm năng khổng lồ chờ khai thác

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô dân số Hồi giáo, với khoảng 1,94 tỷ người vào năm 2022, chiếm gần 1/4 dân số thế giới.

Dân số Hồi giáo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 1,5%/năm, cao gấp đôi so với dân số phi Hồi giáo (0,7%/năm) và dự kiến sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu trong nước, quốc tế tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Tin liên quan

Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển ngành Halal Việt Nam

Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD năm 2028 nhờ tăng trưởng quy mô dân số Hồi giáo, mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực và triển vọng tăng trưởng trong tương lai với tốc độ khoảng 6-8% năm.

Các lĩnh vực kinh tế Halal hiện nay không chỉ giới hạn trong ngành thực phẩm mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như du lịch, mỹ phẩm và dược phẩm.

Đây là những thông tin ấn tượng đối với bất kỳ một ngành công nghiệp sản xuất nào trên thế giới. Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm toàn cầu, Việt Nam có tiềm năng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển ngành Halal.

Việt Nam trước cơ hội lớn phát triển ngành Halal trở thành thế mạnh ảnh 2

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal của tỉnh Bến Tre. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Mặc dù vậy, hiện Việt Nam mới có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Halal, cho thấy dư địa lớn để mở rộng. Việt Nam cũng sở hữu nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, chè, cà-phê và hải sản, được cộng đồng Hồi giáo ưa chuộng.

Đặc biệt, với gần 1.000 doanh nghiệp đã được chứng nhận Halal, Việt Nam có tiền đề để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu này.

Bên cạnh các lợi thế sẵn có, Việt Nam hiện vẫn gặp một số thách thức khi gia nhập thị trường Halal. Trên toàn cầu, chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất và quy trình cấp chứng nhận tại các quốc gia có sự khác biệt, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư sản xuất theo chuẩn Halal.

Hơn nữa, chi phí đánh giá sự phù hợp và đầu tư vào dây chuyền sản xuất chuyên biệt cho Halal cao, tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông M.A.Yusuff Ali - Chủ tịch Tập đoàn Lulu (Ảnh: Thanh Giang).

Tin liên quan

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng ngành công nghiệp Halal

Theo ông Mohamed Jinna, Chủ tịch Cơ quan Chứng nhận Halal Ấn Độ, để khai thác hết tiềm năng của thị trường này, Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về Halal và xây dựng lòng tin với người tiêu dùng Hồi giáo toàn cầu.

Ông Jinna nhấn mạnh, quy trình chứng nhận Halal cần minh bạch, liền mạch, được công nhận trên toàn cầu, đồng thời các doanh nghiệp cần đầu tư hiện đại hóa, chuẩn hóa quy trình.

 

Bên cạnh đó, ông Ihsan Övüt, Tổng Thư ký Viện Tiêu chuẩn các quốc gia Hồi giáo (SMIIC), khẳng định rằng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cho cộng đồng Hồi giáo nếu các khách sạn, nhà hàng và cơ sở du lịch áp dụng tiêu chuẩn Halal.

Dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2026, ngành du lịch Halal là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút khách du lịch Hồi giáo từ các quốc gia Trung Đông, Đông Nam Á và nhiều khu vực khác.

Chính sách và hành động cần thiết

Việt Nam trước cơ hội lớn phát triển ngành Halal trở thành thế mạnh ảnh 4

Với thế mạnh về cung ứng nông sản và thực phẩm, Việt Nam có tiềm năng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển ngành Halal. (Ảnh minh họa: TRUNG HƯNG)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành Halal. Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" được ban hành vào tháng 2/2023 và Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia thành lập vào tháng 4/2024 là những cột mốc quan trọng trong việc đưa sản phẩm Halal Việt Nam ra thế giới.

Tiến sĩ Yousif S. AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, đánh giá cao bước tiến này, nhấn mạnh rằng, với chứng nhận Halal được quản lý thống nhất, Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường quốc tế. Sự hợp tác quốc tế trong việc phát triển hệ sinh thái Halal cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để phát triển ngành Halal hiệu quả, theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là với các đối tác lớn trong ngành Halal để học hỏi kinh nghiệm và phát triển thị trường, trong đó có việc thúc đẩy các hợp tác theo xu hướng liên kết như nhà sản xuất-nhà phân phối để đón nhận và tạo những xung lực cùng nhau phát triển.

Các sản phẩm được giới thiệu tại tuần lễ nông sản Việt. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tin liên quan

Cơ hội cho nông sản Việt từ thị trường thực phẩm Halal

Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về Halal là yếu tố quan trọng để quản lý và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, dịch vụ liên quan đến phát triển kinh tế Halal.

Ngoài ra, xây dựng hệ sinh thái Halal ứng dụng công nghệ cao cũng là một bước đi cần thiết. Chiến lược phát triển Halal cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế xanh để tối ưu hóa sản xuất và đáp ứng nhu cầu của thị trường Halal quốc tế.

Thêm vào đó, cần đầu tư xây dựng các cơ sở đạt tiêu chuẩn Halal và phát triển nguồn nhân lực hiểu biết về Halal để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong các quy trình sản xuất và chứng nhận; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hình thành hệ sinh thái Halal của Việt Nam tương thích với các yêu cầu khác nhau của thị trường Halal; xác định những ưu về sản phẩm, thị trường... để có sự đầu tư, ưu tiên nguồn lực phát triển.

Trần Đức Quyền, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nguyễn Hồng cho chia sẻ về sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt chứng nhận Halal.

Tin liên quan

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sản phẩm Halal

Đối với các tỉnh có tiềm năng sản xuất nông sản, như Bến Tre và Ninh Thuận, cần tăng cường quảng bá sản phẩm Halal, đồng thời hợp tác với các đối tác từ các quốc gia Hồi giáo như ở khu vực Đông Nam Á, vùng Vịnh, Trung Đông, châu Phi… nhằm đưa sản phẩm nông sản Halal Việt Nam ra thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh rằng việc tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp tỉnh tiếp cận thị trường Halal và kết nối với các đối tác lớn.

Trong thời gian tới, để các địa phương có thể đưa các sản phẩm thế mạnh vào thị trường này, ông Sơn đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ hướng dẫn thủ tục chứng nhận Halal và cung cấp thông tin cập nhật về thị trường Hồi giáo, đồng thời hỗ trợ quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giúp kết nối với các đối tác, tập đoàn, doanh nghiệp uy tín của thị trường Halal nhằm thúc đẩy giao thương và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, cũng như tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh quốc tế tại các lĩnh vực này.