Vực dậy tinh thần doanh nghiệp
“Gam màu chủ đạo của kinh doanh năm nay vẫn là khó khăn và thách thức” – chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng lớn trầm ngâm nhận xét bất chấp doanh thu và lợi nhuận khả quan năm 2022.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng kể trên, những gì đạt được năm ngoái phần lớn nhờ điều kiện thuận lợi của chính sách “bơm tiền” trong thời gian đại dịch. Khi thời kỳ tiền tệ nới lỏng qua đi, cả thế giới chống lạm phát và còn chống lạm phát dài hơi, những vấn đề của kinh tế Việt Nam mà doanh nghiệp phải đối mặt sẽ rõ ràng hơn bao giờ hết.
Chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản tiếng tăm trên thị trường nói thẳng “năm nay tồn tại được là thành công”. Ông thừa nhận sự thoái trào của cơn sốt bất động sản mới chỉ bắt đầu, và với sự đi lên của lãi suất, sự ngần ngại xuống tiền của người mua, thị trường nhà đất sẽ còn loay hoay để trượt dần về điểm cân bằng giá cả cũng như cung cầu.
TPDN thực chất là chứng khoán hóa bất động sản. Đại dịch qua đi, “thủy triều” rút xuống, giờ đây mới rõ ai mặc quần ngắn, quần dài, thậm chí không có quần.
Cho đến nay chúng ta vẫn đang nghe các chuyên gia kinh tế khẳng định nhu cầu nhà ở của người dân rất cao trong khi nguồn cung không đáp ứng nổi. Trong cuộc họp đầu năm với Ngân hàng Nhà nước, người đứng đầu Chính phủ đã truyền dẫn thông điệp ngành ngân hàng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, chúng ta không có một sự thống kê chính xác người dân cần bao nhiêu căn nhà để ở và mức tăng nhu cầu mỗi năm bao nhiêu. Thiếu dữ liệu chính xác, mọi sự hoạch định sẽ không thể phù hợp với thực tế.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp bất động sản đều hiểu rằng nhà đất chỉ đắt đỏ và có nhu cầu cao ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Người dân ở các địa phương khác, nhất là vùng nông thôn, đều có mái nhà che mưa nắng. Nhiều khu nghỉ dưỡng, dự án bất động sản ở tỉnh đang thiếu đầu ra và bỏ không.
Vậy thì câu chuyện chính của bất động sản là lệch pha cung cầu ở các vùng miền, địa phương, đô thị và nó khiến cho sự phân bổ dòng vốn, nguồn lực xã hội của dân cư và tiền vay ngân hàng trở nên thiếu tròn trịa, không phản ánh trung thực bản chất sử dụng đất đai.
Ba năm đại dịch đã uốn nắn dòng tiền rẻ do cung tiền tăng cao hướng vào bất động sản, chứng khoán, mà không chảy vào sản xuất. Một phần do các đợt phong tỏa dịch Covid-19, người dân phải ở nhà, sản xuất và tiêu dùng chùng xuống. Tiền nhiều đã đẩy giá chứng khoán, bất động sản vọt lên. Giá nhà đất tăng, giá cổ phiếu tăng trở thành nền tảng để nhà nhà, người người, doanh nghiệp bỏ tiền vào vùng đất trũng này.
Tiền vay ngân hàng không đủ, người ta phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Hơn 1,4 triệu tỉ đồng số dư TPDN, theo Bộ Tài chính, với lãi suất cao hơn mặt bằng chung đã tràn vào lưu thông.
Quá trình làm sạch “nồi canh” không thể không gây ra đau đớn ở mức độ khác nhau thời điểm này, thời điểm khác và nó cần thiết để thanh lọc doanh nghiệp. Đọng lại là biện pháp thanh lọc phải làm sao vực dậy tinh thần doanh nghiệp.
TPDN thực chất là chứng khoán hóa bất động sản. Đại dịch qua đi, “thủy triều” rút xuống, giờ đây mới rõ ai mặc quần ngắn, quần dài, thậm chí không có quần. Cuộc chơi ngắn chẳng tày gang. Tiền có được từ phát hành TPDN đã nằm ở các dự án bất động sản mà thanh khoản đang tiếp tục là dấu hỏi và không ít chủ đầu tư không có tiền trả cho người mua trái phiếu. Họ đang trả giá cho hành động vốn được đánh giá “linh hoạt” của công cụ tài chính chứng khoán hóa đất đai. Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát là những thí dụ điển hình.
Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương rất rõ là “tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng ai làm sai thì phải bị xử lý, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và cảnh báo, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm, các việc làm chưa đúng. Ai yếu kém, ai sợ làm thì đứng sang một bên”.
Tinh thần này đang được thông suốt từ trên xuống dưới. Một số doanh nghiệp cho biết họ không ngại lãi suất cao. Lãi suất cao mà kinh doanh được, có lời, họ vẫn vay. Cái mà họ cần là tinh thần cởi mở, là sự đảm bảo ổn định của chính sách. Sự thay đổi quá nhanh của các quyết sách điều hành vĩ mô buộc doanh nghiệp phải xoay theo như chong chóng.
Chẳng hạn Nghị định 153 về phát hành TPDN mới được sửa đổi, thay thế bằng Nghị định 65/2022/NĐ – CP chưa được vài tháng, hiện lại chuẩn bị chỉnh sửa Nghị định 65 sao?
Điều làm cho doanh nhân, doanh nghiệp chưa vững tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh, mà chỉ cố gắng duy trì quy mô, năng lực hiện có, tìm cách tồn tại nằm ở niềm tin về việc hình sự hóa các vụ việc sai phạm gần đây.
So với các vụ án đã từng diễn ra những năm đầu nền kinh tế mở cửa, tầm ảnh hưởng các vụ việc sai phạm mới đây đến tinh thần doanh nhân sâu rộng hơn. Con sâu làm rầu nồi canh. Chủ trương “nhặt sâu”, làm sạch “nồi canh” là đúng đắn để tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công khai, nơi doanh nhân có tâm và có tầm dám thử sức mình, góp phần xây dựng đất nước.
Quá trình làm sạch “nồi canh” không thể không gây ra đau đớn ở mức độ khác nhau thời điểm này, thời điểm khác và nó cần thiết để thanh lọc doanh nghiệp. Đọng lại là biện pháp thanh lọc phải làm sao vực dậy tinh thần doanh nghiệp, cân nhắc đúng sai độ nông sâu bởi khi cơn đau qua đi, niềm tin ở lại, những doanh nhân chân chính mới tâm vững, chân chắc, dẻo dai bước tiếp con đường kinh doanh.
Lúc này tâm thế của doanh nghiệp, doanh nhân vô cùng quan trọng và vực dậy tinh thần của họ cần tới vai trò quản lý, điều hành thích hợp của Nhà nước, của đội ngũ những người làm chính sách, dọn đường chính sách và dẫn chính sách vào cuộc sống!
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí