Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển

Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2024 | 11:31

Đột phá về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản đã được Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Ngay sau hội nghị, Quốc hội, Chính phủ đã gương mẫu, đi đầu, làm rất quyết liệt với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng vì sự nghiệp chung; tổ chức ngay nhiều phiên họp rà soát nội dung các dự án luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Ảnh minh hoạ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thực hiện ngay cơ chế
Ảnh minh hoạ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thực hiện ngay cơ chế "sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật". (Ảnh: DUY LINH)

Tuy nhiên, với những diễn biến nhanh, phức tạp của đời sống hiện nay cũng như bối cảnh đất nước bứt phá vươn lên, yêu cầu trọng tâm đang được cử tri đặc biệt quan tâm đặt ra, đó là: Cần đổi mới công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng không chỉ nhằm điều chỉnh thực tiễn mà còn phải có tầm nhìn xa, trông rộng với tư duy chiến lược đi trước, mở đường để tạo không gian, khơi thông nguồn lực, định hướng, dẫn dắt sự phát triển.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 tại kỳ họp thứ 8 cho biết: công tác xây dựng pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập, nhất là hồ sơ đề nghị xây dựng một số luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu, chưa đầy đủ theo đúng quy định, gây không ít khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan liên quan.

Đại biểu Quốc hội phản ánh, Chính phủ vẫn còn nợ nhiều văn bản quy định chi tiết các nội dung của nhiều luật; trong đó có các luật đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội, nhất là các luật về bất động sản, chưa có đủ văn bản hướng dẫn thi hành.

Cử tri cho biết, nhiều chính sách, quy định pháp luật mới chưa được triển khai trong thực tiễn đang gây khó khăn cho đời sống xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cử tri cho biết, nhiều chính sách, quy định pháp luật mới chưa được triển khai trong thực tiễn đang gây khó khăn cho đời sống xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, hiện nay yêu cầu về hạ tầng, năng lượng là một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Qua thảo luận, đại biểu Quốc hội cho biết, việc sửa đổi nhằm thông qua Luật Điện lực là rất cấp bách; nhưng nếu trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp vào kỳ họp thứ 8 như đề nghị của Chính phủ là mục tiêu rất thách thức; cần tư duy chiến lược, tầm nhìn kiến tạo phát triển trong xây dựng luật, nhất là tầm nhìn liên quan quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.

 

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề đang diễn biến nóng bỏng theo từng ngày, nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa có tiền lệ nhưng phản ứng chính sách của các cơ quan hữu quan rất hạn chế, thậm chí bị động, bất ngờ, thiếu thông tin để chỉ đạo, điều hành hoặc nhiều vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội tồn tại thời gian dài nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục.

Vẫn còn những bất cập chưa được giải quyết khi hàng hóa giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém ồ ạt thâm nhập thị trường trong nước qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đe dọa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và quyền lợi người tiêu dùng; giá vàng tăng cao nhất lịch sử với nguy cơ "vàng hóa" nền kinh tế; tình trạng đầu cơ, thao túng, lũng đoạn thị trường đất đai, nhà ở, chứng khoán…

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thực hiện ngay cơ chế "sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật"; trước mắt, tiến hành 1 luật sửa 3 luật trong lĩnh vực đầu tư, 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian cho phát triển.

Tới đây, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển cần phải lan tỏa mạnh mẽ tinh thần nêu trên. Các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, quy trình với tinh thần tháo gỡ triệt để điểm nghẽn, rào cản, cải cách thủ tục hành chính, mở rộng không gian cho phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tất cả vì sự phát triển của đất nước, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Trên cơ sở đó, khẩn trương xây dựng ngay các giải pháp cụ thể phù hợp thực tiễn để huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, không để "lỗ hổng" của việc thi hành pháp luật làm nảy sinh tiêu cực.