Xuất hiện đơn "kêu cứu" của cổ đông, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai thoát hiểm
Chỉ trong vòng vài phút, hơn 20 triệu cổ phiếu HAG dư bán giá sàn đã được hấp thụ chóng vánh. Mã này đảo chiều tăng giữa lúc thị trường xuất hiện một lá đơn "kêu cứu".
Trong phiên giao dịch hôm nay (15/2), cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ghi nhận bước ngoặt lớn về diễn biến giá.
Trước đó, cổ phiếu HAG bị bán mạnh trong sáng nay và ở phiên 14/2. Riêng phiên 14/2, cổ phiếu HAG giảm sàn, trắng bên mua và dư bán sàn đến hơn 15 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, ở đầu phiên chiều 15/2, chính xác là thời điểm 13h25, HAG có cú "quay xe" cực chóng vánh. Hơn 20 triệu cổ phiếu được hấp thụ nhanh chóng trong vài phút khiến đồ thị giá "dựng đứng", HAG nhanh chóng hồi phục và thậm chí tăng giá ngay sau đó.
Cổ phiếu HAGL có cú hồi phục ngoạn mục từ 13h25 (Ảnh chụp màn hình Trading View).
Mã này đóng cửa tăng 0,9% lên 11.650 đồng/cổ phiếu và có thời điểm được giao dịch ở vùng giá 12.300 đồng. Khối nhà đầu tư ngoại trở lại mua ròng, theo đó, những nhà đầu tư kịp "bắt đáy" HAG ở mức giá sàn thì trong phiên đã lãi gần 8%. Ngược lại, với nhà đầu tư nào lỡ bán tháo cổ phiếu này sẽ không tránh khỏi sự hối tiếc.
Biến động giá của cổ phiếu HAG những phiên gần đây ngoài ảnh hưởng từ thị trường chung thì còn gắn với câu chuyện mã này được ở lại hay sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155, do HAGL đã lỗ liên tiếp 3 năm nên cổ phiếu HAGL sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE và buộc phải giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM. Nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc đã làm dấy lên lo ngại đối với cổ đông của doanh nghiệp.
Gần 21 triệu cổ phiếu HAG đã được hấp thụ ở mức giá sàn, nhà đầu tư bắt đáy thành công lãi tới 8 % trong phiên (Ảnh chụp màn hình VDSC).
Trong ngày hôm nay, trên thị trường xuất hiện thông tin về một lá đơn kêu cứu được cho là của một nhóm cổ đông của HAGL. Đơn đề gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (C03) - Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) về tin đồn cổ phiếu HAG có nguy cơ bị hủy niêm yết.
Trong lá đơn trên, nhóm cổ đông này cho biết họ "sở hữu khá nhiều" cổ phiếu HAG, đã bị thiệt hại rất lớn khi giá cổ phiếu giảm sâu do thông tin lan truyền về việc HoSE sẽ hủy niêm yết cổ phiếu HAG trong bối cảnh HAGL lỗ 3 năm liên tiếp từ năm 2017 đến năm 2019.
Nhóm cổ đông này cũng tỏ ra bức xúc khi công ty công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 và nội dung hồi tố từ tháng 3/2021 nhưng gần 10 tháng sau mới có tin thông báo hủy. Cổ đông cho rằng, nếu HoSE tiến hành hủy đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông HAGL hiện nay, đặc biệt là những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3/2021 trên cơ sở căn cứ vào các báo cáo tài chính quý của HAGL có lãi.
"Chúng tôi là những cổ đông đã đầu tư từ sau thời điểm sau ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý, sao giờ lại lôi chuyện cũ ra xem xét? Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những người mua cổ phiếu sau tháng 4/2021?" - nhóm cổ đông đặt câu hỏi.
Cổ đông cũng cho hay, do nhận thấy từ cuối năm 2021 thì HAGL đã "hồi sinh" vì liên tiếp có các quý làm ăn khởi sắc, có lãi trở lại, kỳ vọng lợi nhuận năm 2020 gấp nhiều lần so với năm 2021 nên đã đầu tư vào cổ phiếu này. Chính vì vậy, theo các cổ đông trên, nếu HoSE đột nhiên thông báo HAG bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra từ những năm trước sẽ gián tiếp "giết chết" các cổ đông, những nhà đầu tư vì kỳ vọng tương lai chứ không hề có trách nhiệm về những tồn đọng từ quá khứ trước thời điểm đầu tư.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, HAGL cũng đã có văn bản giải trình gửi UBCKNN, VNX và HoSE, cho hay: các cổ đông tham dự họp đại hội cổ đông thường niên của HAGL ngày 26/11/2021 đã bàn bạc rất kỹ và thống nhất ghi vào Biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết cổ phiếu HAG.
Trên cơ sở đó, HAGL kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đến tình hình hiện tại của HAGL để duy trì việc niêm yết cổ phiếu bởi vì hầu hết các cổ đông đang sở hữu cổ phiếu HAG hiện nay đều mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách nay 3-5 năm.
"HAGL kiến nghị UBCKNN, VNX và HoSE cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách và nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy, sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường" - Tổng Giám đốc HAGL Võ Trường Sơn nêu trong văn bản.
Theo báo cáo tài chính năm 2021 vừa được HAGL công bố, năm vừa qua, HAGL có lãi sau thuế 126,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2.383,3 tỷ đồng); trong đó, lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 184,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng 1.255,7 tỷ đồng). Năm 2022, HAGL dự kiến sẽ nâng doanh thu thuần lên 4.820 tỷ đồng và đạt 1.120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xuat-hien-don-keu-cuu-cua-co-dong-co-phieu-hoang-anh-gia-lai-thoat-hiem-20220215170611727.htm
- Đối thủ tăng thần tốc, báo động thế mạnh top 1 thế giới của Việt Nam
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/11/2024: Một nhà băng tăng mạnh, cán mốc 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/11/2024: Agribank 'vô địch' nhóm Big4 kỳ hạn ngắn
- Những cam kết chính sách của ông Trump sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
- Fed tiếp tục giảm lãi suất, giá vàng tăng vọt trở lại, chứng khoán lập đỉnh
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 7/11/2024: Ngân hàng Big4 liên tục tăng lãi huy động
- Hơn 1,2 triệu tỷ trong Quỹ BHXH: Là số dư sổ sách, không phải tiền ở tài khoản
- Giá USD ngân hàng diễn biến trái chiều