Yếu tố vĩ mô “đẩy thuyền” cho chứng khoán nửa cuối năm

Thứ hai, ngày 1 tháng 7 năm 2024 | 10:38

- Các chuyên gia cho rằng, dù chưa thực sự bứt phá, song thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hai quý đầu năm 2024 với những diễn biến khá tích cực. Trong nửa còn lại của năm nay, các yếu tố vĩ mô sẽ tiếp tục ủng hộ cho xu hướng tăng trong dài hạn của thị trường. Đồng thời, với chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kỳ vọng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đầy xu hướng đi lên của thị trường.

Yếu tố vĩ mô “đẩy thuyền” cho chứng khoán nửa cuối năm
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có diễn biến khá tích cực trong nửa đầu năm 2024. Ảnh: Duy Dũng

Dòng tiền được lan tỏa tốt

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có diễn biến khá tích cực trong nửa đầu năm 2024. Đà tăng trưởng của thị trường được duy trì khi chỉ số hồi phục rất tốt kể từ cuối tháng 4 và đặc biệt đã chinh phục thành công vùng đỉnh 1.300 điểm.

Đi cùng với đó, thanh khoản thị trường nửa đầu năm ở mức tốt, nhất là vào thời điểm tháng 3/2024, giá trị giao dịch bình quân phiên đã đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng/phiên - chỉ kém giai đoạn đỉnh cao trung tuần tháng 11/2021. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân thể hiện nội lực mạnh mẽ, không chỉ là trợ lực chính cho toàn thị trường, mà còn đối ứng hoàn toàn động thái bán ròng liên tục của khối ngoại.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho biết, TTCK trong 6 tháng đầu năm diễn biến tương đối tích cực khi chỉ số VN-Index tăng xấp xỉ 11% so với đầu năm. Bên cạnh đó, mức độ thanh khoản của thị trường cũng tăng tốt trở lại so với thời điểm năm 2023, ngoài ra mức độ lan tỏa của dòng tiền ở rất nhiều nhóm cổ phiếu, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (micap), nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (small caps).

Theo ông Minh, lãi suất tiền gửi gần đây có sự tăng trở lại, tuy nhiên mặt bằng chung vẫn đang duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện cho người gửi tiền tiết kiệm dịch chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán. Số lượng tài khoản trong 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao với hơn 7,9 triệu tài khoản. Con số này cho thấy nhiều nhà đầu tư hiện nay đang thực sự quan tâm tới thị trường, không chỉ là nhà đầu tư lớn, mà còn là những nhà đầu tư trẻ tuổi cũng đang tham gia vào thị trường.

“Tuy vậy, thị trường cũng có điểm chưa tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng từ đầu năm với áp lực cao. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, giá trị bán ròng vượt xa hẳn so với cả năm 2023. Áp lực này khả năng cao còn tiếp diễn trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng đi lên cùng với rủi ro Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cao trong năm 2024” - ông Minh cho hay.

Nhiều động lực tăng trưởng cho thị trường

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trường phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng, TTCK sẽ tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế. Động lực chính tác động tích cực lên thị trường đến từ môi trường lãi suất thấp được duy trì và sẽ thẩm thấu rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo vị chuyên gia này, TTCK Việt Nam đang tiếp tục chứng kiến thanh khoản tăng mạnh. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, tổ chức vẫn tích cực, thể hiện sự kỳ vọng rất lớn vào tương lai của thị trường, cũng như của nền kinh tế.

“Hồi phục kinh tế vẫn là xu hướng lớn và không thể đảo ngược trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng vào những thông tin tích cực đến từ vĩ mô như việc hạ lãi suất của FED, hay sự hồi phục từ nền kinh tế với xuất nhập khẩu tăng mạnh, nhu cầu tiêu dùng quay trở lại sẽ kích thích sự phát triển kinh tế. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn” - chuyên gia VFS nói.

Còn theo chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi và rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2024. Lãi suất được dự đoán sẽ vẫn giữ ở mặt bằng vừa phải. Càng về cuối năm, đồng USD có thể sẽ bắt đầu suy yếu, trong trường hợp đó đồng Việt Nam có thể mạnh lên và tác động tích cực đến tâm lý TTCK.

“Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế toàn cầu hiện nay mang lại nhiều điểm sáng cho bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đây cũng là điểm tích cực hỗ trợ cho TTCK. Giai đoạn 6 tháng cuối năm, kỳ vọng bức tranh tỷ giá sẽ hạ nhiệt trở lại. Bởi khi FED có động thái hạ lãi suất và trong nước, lãi suất huy động có thể nhích tăng sẽ giúp áp lực tỷ giá hạ nhiệt. Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt cũng sẽ bù đắp phần nào lượng rút ròng của dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) ra khỏi thị trường Việt Nam” - ông Minh phân tích.

Lợi nhuận toàn thị trường quý II có thể tăng 9,5%

Công ty CP Chứng khoán MBS dự báo, lợi nhuận toàn thị trường trong quý II/2024 có thể đạt mức tăng 9,5% so với cùng kỳ, hỗ trợ bởi mức nền thấp cùng kỳ trong khi sản xuất và tiêu dùng có sự phục hồi nhẹ. Lợi nhuận ngành Ngân hàng được dự báo tăng trưởng chậm lại ở mức 12% so với cùng kỳ, trong khi quý I/2024 tăng trưởng 14%. Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật gồm bán lẻ tăng 379%, vật liệu cơ bản tăng 63% từ mức nền thấp năm ngoái.