5 triệu người Việt mắc căn bệnh dễ dẫn tới mờ mắt
Người đàn ông trẻ thấy mệt mỏi, mờ mắt, sụt cân không rõ nguyên nhân nên đã đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2.
Anh N.C.C (42 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) kiểm tra sức khỏe vì sụt cân (3kg trong vòng 1 tháng), mệt mỏi và mờ một bên mắt.
Khi kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ phát hiện anh C. tổn thương ở thận, mắt. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy đường huyết của người bệnh lên tới 11,3 mmol/l. Bác sĩ cho làm thêm xét nghiệm chuyên sâu và chẩn đoán anh C. bị đái tháo đường type 2, đã biến chứng vào thận, mắt gây mờ mắt.
Chị H.T.K.A (49 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên mờ mắt, mỏi mắt. Ban đầu, chị A. cho rằng bị lão thị theo tuổi nên uống nhiều thuốc bổ mắt và mua kính đeo.
Tuy nhiên, tình trạng nhìn mờ ngày càng tăng nên chị đến Bệnh viện Mắt (Hà Nội). Bác sĩ soi đáy mắt của chị A. có dấu hiệu tổn thương võng mạc, nghi ngờ do bệnh chuyển hóa. Xét nghiệm máu, chỉ số đường máu rất cao 10,2 mmol/l, kèm rối loạn lipid máu.
Chị A. cho biết không có biểu hiện bệnh, cơ thể luôn ở mức 49-50kg nên chủ quan các bệnh chuyển hóa không “gõ cửa”.
Theo thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, nước ta có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường, căn bệnh được coi như đại dịch khi số ca bệnh ngày càng tăng. Bệnh này không chỉ gặp ở người già như trước đây mà ngày càng trẻ hóa, liên quan nhiều đến lối sống ít vận động, dùng nhiều đồ ăn nhanh dẫn tới béo phì. Bệnh gây ra rất nhiều biến chứng lên tất cả bộ phận của cơ thể như mắt, thận, phải cắt cụt chi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Bác sĩ Bảy kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường thường không rõ, giai đoạn đầu chưa có ảnh hưởng nhiều về thị lực. Chỉ khi người bệnh có các biểu hiện khó chịu nhìn mờ, cảm giác ruồi bay trước mắt, đi khám thì đã ở giai đoạn đe dọa thị lực.
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong những biến chứng giao thoa nên việc chẩn đoán càng khó, hay bị bỏ qua.
Bác sĩ Bảy cho biết thêm, người bệnh cần kiểm soát tốt tất cả yếu tố nguy cơ, biến chứng, có chiến lược để đạt được mục tiêu đường huyết, huyết áp, lipid máu, hướng tới ổn định bệnh, giảm nguy cơ, chậm tiến triển, duy trì cuộc sống chất lượng dài lâu.
Trên toàn cầu, tỷ lệ bệnh lý võng mạc ở bệnh nhân đái tháo đường là 22,3% tương đương hơn 103 triệu người (2020). Dự kiến đến năm 2045, tỷ lệ này tăng lên 55,6% - hơn 160 triệu người mắc. Ở nhiều quốc gia, bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân chính gây mù lòa với nhóm người trong độ tuổi lao động. Chi phí cho điều trị võng mạc đái tháo đường khá cao, khoảng 629 USD/bệnh nhân/năm.
Để phòng nguy cơ này, bác sĩ khuyến cáo người mắc cần quản lý bệnh đái tháo đường tốt. Hãy biến việc ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất trở thành một phần trong thói quen hằng ngày. Uống thuốc tiểu đường hoặc insulin theo chỉ dẫn.
Người bệnh phải kiểm tra và ghi lại lượng đường huyết của mình nhiều lần trong ngày để theo dõi sát sao, nếu cao bất thường cần liên hệ bác sĩ.
Ngoài ra, những người trên 45 tuổi nên đi xét nghiệm đường huyết ít nhất 3 năm 1 lần. Phụ nữ có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ, buồng trứng đa nang cũng cần được kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn.
- Bác sĩ ‘hớt bỏ’ tế bào ung thư đường tiêu hóa từ rất sớm
- Vụ sản phụ tử vong sau sinh: Giám đốc bệnh viện lên tiếng
- Virus HPV gây ung thư có lây qua dùng chung bàn chải đánh răng không?
- Người phụ nữ mắc 3 bệnh ung thư, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu dễ bỏ qua
- Người phụ nữ mắc 3 bệnh ung thư, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu dễ bỏ qua
- Hai anh em song sinh ở Hà Nội chào đời cách nhau 5 tuần
- Nối cổ chân bị đứt lìa do máy cắt cỏ
- Hai dấu hiệu cảnh báo ung thư lưỡi khác với nhiệt miệng
- Lo ngại dịch sởi, cúm diễn biến phức tạp