Ám ảnh về lạm phát, phố Wall có tuần giảm mạnh nhất trong gần 2 năm
Chứng khoán Mỹ có tuần giao dịch đáng thất vọng nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, khi mà nỗi lo lạm phát và những hành động diều hâu hơn từ Fed khiến sự bi quan về thị trường cổ phiếu dâng cao.
Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu (22/1), do đà suy yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ và giải trí.
Cả ba chỉ số chính đều có phiên tồi tệ với S&P 500 giảm 1,89%, Nasdaq Composite giảm 2,72%, còn Dow Jones mất 1,3% và lùi xuống đường MA200, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020.
Phiên này, báo cáo kết quả kinh doanh quý IV đáng thất vọng của Netflix chính là trở ngại với nhóm cổ phiếu giải trí, khiến cổ phiếu này giảm 21,79%. Cổ phiếu các công ty cùng ngành là Disney giảm 6,9% và Roku giảm 9,1%.
Các cổ phiếu công nghệ lớn cũng góp thêm phần kéo lùi thị trường như Amazon và Meta Platforms (Facebook) lần lượt giảm 6% và 4,2%.
Tính trong cả tuần, S&P 500 giảm 4,6%, Nasdaq Composite giảm 5,7% và Dow Jones rớt 7,6%.
Đây là tuần giảm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020 và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của S&P 500, khiến chỉ số này bị mất tới 8,3% giá trị so với thời điểm hồi đầu tháng.
“Thị trường cổ phiếu trở nên cực kỳ bi quan về việc Fed thắt chặt tiền tệ”, Jim Tierney, Chuyên gia quản lý quỹ tập trung vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng tại AllianceBernstein, cho hay. “Fed chưa bao giờ quá diều hâu trong 20 năm qua, nhưng thị trường đang phản ánh kiểu họ sẽ buộc phải diều hâu như thế”.
Hiện giới đầu tư đang dồn ánh mắt vào cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2022 của Fed, dự kiến kéo dài 2 ngày bắt đầu vào thứ Ba tuần tới.
Theo dự báo, Fed sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm nay để kiềm chế lạm phát, nhưng các nhà phân tích và giới đầu tư đang cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất đến 4 lần, thậm chí nhiều hơn.
Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Dow Jones giảm 450,02 điểm (-1,30%), xuống 34.265,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 84,79 điểm (-1,89%), xuống 4.397,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 385,10 điểm (-2,72%), xuống 13.768,92 điểm.
Chứng khoán châu Âu sụt giảm trong phiên thứ Sáu, đánh dấu tuần thứ ba mất điểm, khi lo lắng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trong năm nay và dữ liệu kinh tế yếu kém đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu, cũng như khủng khoảng giá năng lượng do nguồn cung thắt chặt.
Chỉ số STOXX 600 của thị trường châu Âu giảm 1,8% và giảm 1,4% so với tuần trước. Các cổ phiếu khai thác có hoạt động kém nhất trong phiên, mất 3,3%.
Craig Erlam, một nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: Chúng ta không bao giờ có thể đánh giá thấp tác động của Mỹ đối với thị trường toàn cầu và châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức của riêng mình với biến thể Omicron và cuộc khủng hoảng năng lượng".
Nỗi lo lạm phát càng trở nên lớn hơn, sau khi chỉ số giá tiêu dùng của khu vực đồng euro đã tăng với tốc độ kỷ lục trong tháng 12, được thúc đẩy bởi sự gia tăng giá năng lượng và sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng.
Kết thúc phiên 21/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 90,88 điểm (-1,20%), xuống 7.494,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 308,45 điểm (-1,94%), xuống 15.603,88 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 125,57 điểm (-1,75%), xuống 7.068,59 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, do các công ty công nghệ lớn chịu thiệt hại sau khi Nasdaq giảm 1% đêm trước đó bởi lo ngại lạm phát và lãi suất tăng cao.
Chứng khoán Trung Quốc giảm do các công ty công nghệ trượt dốc, sau khi cơ quan giám sát internet đưa thêm cảnh báo mới.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ sự thúc đẩy từ các công ty bất động sản lớn và cổ phiếu tiêu dùng, nhưng tâm lý thị trường vẫn mong manh trong bối cảnh lo ngại về sự thắt chặt của Fed và triển vọng kinh tế Trung Quốc.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, khi cổ phiếu công nghệ theo chân các công ty cùng ngành đêm qua trên phố Wall.
Kết thúc phiên 21/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 250,67 điểm (-0,90%), xuống 27.552,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 32,50 điểm (-0,91%), xuống 3.522,57 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 13,20 điểm (+0,05%), lên 24.965,55 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 28,39 điểm (-0,99%), xuống 2.834,29 điểm.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu tiếp tục giảm, khi giới đầu tư vẫn đứng ngoài chờ đợi cuộc họp đầu tiên của Fed trong năm 2022 vào tuần tới.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Mỹ chưa hạ nhiệt cũng góp thêm phần sức ép đến giá kim loại quý.
Kết thúc phiên 21/1, giá vàng giao ngay giảm giảm 3,8 USD xuống 1.835,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 6,5 USD xuống 1.836,1 USD/ounce.
Giá dầu thô giảm do tồn kho nhiên liệu và dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 11 trong khi dự trữ xăng tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng.
Cụ thể, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 515.000 thùng trong tuần tính đến ngày 14/1 lên 413,8 triệu thùng. Ngoài ra, dự trữ xăng tăng 5,9 triệu thùng trong tuần lên 246,6 triệu thùng, so với dự báo chỉ tăng 2,6 triệu thùng.
Kết thúc phiên 21/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,41 USD (-0,48%), xuống 85,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,49 USD (-0,56%), xuống 87,89 USD/thùng.
Theo Vietnamnet.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/am-anh-ve-lam-phat-pho-wall-co-tuan-giam-manh-nhat-trong-gan-2-nam-post289982.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại