Biến số tác động đến thị trường chứng khoán thời gian tới?

Thứ tư, ngày 9 tháng 10 năm 2024 | 11:32

Theo các chuyên gia, trong dài hạn, các yếu tố vĩ mô đang khá tích cực, như nền kinh tế dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2024. Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn theo chiều hướng đi lên, qua đó đưa định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam về mức khá hấp dẫn.

Biến số tác động đến thị trường chứng khoán thời gian tới?
Định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam về mức khá hấp dẫn. Ảnh tư liệu

Vĩ mô nhiều điểm sáng ủng hộ thị trường

Đánh giá về số liệu vĩ mô hiện tại, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank nhận định, dữ liệu kinh tế GDP quý III gây ấn tượng với nhiều nhà đầu tư cũng như tổ chức tài chính. Bởi trước đó, nhiều tổ chức tài chính đưa ra dự báo tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều so với số liệu tăng trưởng vừa được công bố, do đánh giá ảnh hưởng của bão Yagi. Đây là con số nằm trong kịch bản khả quan nhất và quý tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước.

Nguy cơ “rung lắc” vẫn còn và tâm lý chốt lời có thể tăng

Ở góc nhìn kỹ thuật, các công ty chứng khoán kỳ vọng, VN-Index có vùng hỗ trợ quanh 1.265 điểm và tiếp tục hướng đến ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên, nguy cơ “rung lắc” vẫn còn và tâm lý chốt lời có thể tăng cao khi VN-Index vượt vùng cản tâm lý. Do đó, tình trạng này có thể kéo dài cho đến khi chỉ số chinh phục mốc 1.330 điểm kết hợp đồng thời với sắc xanh cần phải lan tỏa đến nhiều nhóm ngành.

Nhìn tổng thể, đóng góp tăng trưởng GDP quý III chủ yếu đến từ lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, tăng 9,1% và đóng góp 48,1% vào mức tăng GDP. Lũy kế 9 tháng, GDP tăng khoảng 6,8%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ 2023 chỉ khoảng 4,4%. Mức tăng của GDP cho thấy ảnh hưởng của bão Yagi không quá lớn và kinh tế đang trong đà phục hồi mạnh mẽ. Chuyên gia cho rằng, đến cuối năm nay mức tăng trưởng trên 7% hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Còn trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 10 tiếp tục đón chờ thời điểm bùng nổ. Cụ thể, bước sang tháng 10, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 dự kiến sẽ sôi động trong hai tuần cuối tháng được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường. Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục là đầu tàu dẫn đắt đà tăng trưởng bên cạnh sự phục hồi của ngành sản xuất và bán lẻ, giúp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Vn-Index ước tính 28%.

Bên cạnh đó, công cuộc hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng sẽ được cụ thể hóa trong dự án Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội thứ 8. Dự thảo luật nếu được thông qua sẽ mang ý nghĩa bước ngoặt đối với TTCK Việt Nam trong triển vọng nâng hạng năm 2025, theo đánh giá của FTSE và MSCI.

Cuối cùng, động thái cắt giảm lãi suất và chính sách hỗ trợ kinh tế của các ngân hàng trung ương lớn góp phần tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ ôn hòa theo hướng hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 9 đánh dấu chu kỳ cắt giảm lãi suất kể từ năm 2020, đồng thời đưa ra kịch bản cắt giảm 150 điểm cơ bản trong 15 tháng tới tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho TTCK trung và dài hạn. Động thái này được kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại trở lại các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới đây, nếu có thể vực dậy đà tăng trưởng ở quốc gia này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đối với Việt Nam khi mức độ giao thương giữa hai nền kinh tế là rất lớn.

Áp lực ngoại biên gia tăng, dòng tiền phân hóa

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia của VDSC cũng cho rằng rủi ro chiến sự khu vực Trung Đông leo thang là yếu tố cần cẩn trọng trong ngắn hạn. Xung đột có thể làm ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Cú sốc cung có thể khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt, gây thêm áp lực lên triển vọng lạm phát và làm phức tạp chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương lớn.

Còn chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, thị trường các tháng cuối năm sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và xu hướng dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đang cho thấy tín hiệu suy yếu trên diện rộng.

Sự suy giảm dòng tiền tại nhiều nhóm ngành sẽ khiến thị trường thiếu đi bộ đệm cần thiết trong trường hợp áp lực chốt lời quay lại đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng; đặc biệt khi tỷ trọng vốn hóa của một số nhóm ngành có tiềm năng tăng giá như nguyên vật liệu, dịch vụ tài chính hoặc bán lẻ đều không đáng kể nếu so với tỷ trọng vốn hóa của nhóm ngân hàng. Việc này có thể tạo ra hiệu ứng vòng lặp phản hồi khiến áp lực bán dần lan rộng ngược trở lại đối với các nhóm cổ phiếu đó, do có hệ số đo lường mức độ biến động cao so với VN-Index.

Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường đi lên, dòng tiền có thể sẽ tìm đến những cơ hội tốt nhất. Về mặt định giá ở thời điểm hiện tại, các nhóm ngân hàng, bất động sản và hàng hóa đang được định giá thấp, trong khi các nhóm khác đã được định giá cao hơn. Trong đó, nhóm ngân hàng và chứng khoán có thể là những đại diện tiêu biểu mang tính dẫn dắt thị trường trong quý cuối cùng của năm nay và cả trong năm tới.

Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, câu chuyện định giá là câu chuyện chi phối thời gian tới, bởi nhiều nhóm ngành đã tăng nóng thì định giá khá cao. Diễn biến thị trường sắp tới kết hợp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đưa ra sẽ có một giai đoạn tái định giá. Những cổ phiếu đã tăng nóng có kết quả kinh doanh cao thì định giá tiếp tục hấp dẫn, thu hút thêm dòng tiền. Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III yếu đi kết hợp giá đã tăng tốt thời gian qua thì định giá không còn hấp dẫn nữa và tự điều chỉnh./.