Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ, thị trường châu Á bao trùm trong
Động lực tăng giá hậu bầu cử tại Phố Wall tan biến trong phiên giao dịch 13/11. Ảnh minh họa

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/11, chứng khoán Mỹ chứng kiến chỉ số S&P 500 nhích 0, 02% lên 5,985.38 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 47,21 điểm (tương đương 0,11%) lên 43.958,19 điểm, chỉ số này đã tăng tới 230 điểm vào đầu phiên ngày thứ Tư. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,26% lên 19.230,74 điểm.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 tăng cao hơn một chút lên 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trùng khớp với dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 3,3% trong tháng trước, cùng phù hợp với dự báo. Sau báo cáo lạm phát, thị trường dự báo khả năng cao ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất một lần nữa vào tháng 12/2024, theo công cụ CME FedWatch.

David Russell, Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại TradeStation, nhận định: “Đã đến lúc ngừng lo lắng về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lạm phát. Chứng khoán Mỹ đã tự động lái kể từ cuộc bầu cử và các số liệu ngày hôm nay không làm ảnh hưởng đến xu hướng này”.

Cùng ngày, hầu hết các thị trường châu Á đều chứng kiến “sắc đỏ” bao trùm với các phiên giảm điểm liên tiếp trong tuần.

Nhà đầu tư lo lắng trước việc tổng thống nhiệm kỳ mới của Mỹ sẽ bổ nhiệm những người theo chủ nghĩa cứng rắn đối với Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới nhằm làm suy yếu nền kinh tế thứ hai thế giới.

Do không có sự chắc chắn về triển vọng của Trung Quốc trong năm 2025, hầu hết cổ phiếu thị trường chính của châu Á như Hong Kong, Tokyo, Sydney, Seoul, Đài Bắc, Wellington và Mumbai đều có phiên giảm điểm vào ngày 13/11. Tuy nhiên, chứng khoán châu Á vẫn tìm được sắc xanh tại thị trường Thượng Hải, Singapore, Manila và Bangkok./.