Chứng khoán Mỹ lại hoang mang vì Fed, Dow Jones “bay” gần 200 điểm

Thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 2023 | 13:33

Chỉ số Dow Jones giảm mạnh do số liệu lạm phát cao hơn dự báo và giới chức Fed cảnh báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Chỉ số Dow Jones giảm gần 200 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/2. Ảnh: CNBC

Chỉ số Dow Jones giảm gần 200 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/2. Ảnh: CNBC

Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên thứ Ba (14/2), sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 được công bố cho thấy ít có thay đổi về kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm dừng tăng lãi suất

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones sụt 156,66 điểm (tương đương 0,46%) xuống còn 34.089,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,03% về mức 4.136,13 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite đảo chiều ở cuối phiên khi tăng 0,57% lên 11,960.15 điểm, nhờ đà tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ.

Bộ Lao động Mỹ ngày 14/2 công bố báo cáo CPI tháng 1/2023 cho thấy tỷ lệ lạm phát vẫn cao dai dẳng. Theo báo cáo, CPI của Mỹ tăng 0,5% trong tháng đầu năm và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn so với các mức dự báo tương ứng là 0,5% và 6,2%, theo một cuộc khảo sát chuyên gia kinh tế của hãng tin Dow Jones. %. CPI tháng 12/2022 ban đầu được công bố giảm 0,1% so với tháng trước đó,nhưng mới đây đã được được điều chỉnh thành tăng 0,1%.

Trước khi báo cáo lạm phát được công bố, ngân hàng JPMorgan dự báo rằng mức tăng hàng năm của lạm phát từ 6,4% lên 6,5% đã khiến chỉ số  S&P 500 mất 1,5% vào ngày thứ Ba.

Lạm phát cao hơn dự báo càng củng cố thêm khả năng Fed sẽ phải duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn. Điều này gây áp lực đối với nhiều tài sản, và cổ phiếu không phải là trường hợp ngoại lệ.

Chuyên gia Mike Loewengart, Giám đốc xây dựng mô hình danh mục tại Morgan Stanley Global Investment Office, đánh giá: “Không có bất ngờ lớn nào trong báo cáo CPI ngày hôm nay, song số liệu mới nhất cho thấy lạm phát dù đã đạt đỉnh, nhưng vẫn cần thêm nhiều thời gian mới có thể quay về mức bình thường. Vấn đề quan tâm nhất trên thị trường là liệu lạm phát có thể giảm về ngưỡng mục tiêu của Fed trong khi thị trường lao động vẫn tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay hay không”.

Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch cũng hoang mang hơn sau khi các quan chức Fed đưa ra lập trường chính sách tiền tệ thiếu nhất quán.

Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker hôm 14/2 cho biết Fed chưa hoàn tất chiến dịch tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng “có thể đã đến gần” mức lãi suất cực đại”.  Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams nói rằng dù lạm phát đang yếu đi, ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phía trước và có thể phải mất nhiều năm để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Cùng ngày, bà Lorie Logan - Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, cảnh báo Fed cần tiếp tục kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn khi chỉ số giá tiêu dùng vẫn chưa thực sự hạ nhiệt. “Chúng tôi phải sẵn sàng tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian dài hơn dự kiến nếu phương án đó là cần thiết để phản ứng với những thay đổi của triển vọng kinh tế” - bà Logan lưu ý. 

Theo chiến lược gia trưởng thị trường Anthony Saglimbene tại Ameriprise, giới đầu tư trên sàn Phố Wall thất vọng khi báo cáo CPI tháng 1 đã xóa tan kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm đảo chiều lộ trình tăng lãi suất.

Trong ngày 14/2, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng cao, với kỳ hạn 6 tháng đóng cửa ở mức 5,022%, lần đầu tiên vượt mốc 5% kể từ tháng 7/2007.

Các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ đang đặt cược vào ít nhất hai đợt tăng lãi suất 0,25% nữa trong năm nay, với mức lãi suất có thể đạt đỉnh 5,28% vào tháng 7.

Ngoài dữ liệu CPI, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi các báo cáo lợi nhuận để hiểu rõ hơn về nhu cầu tiêu dùng. Kraft Heinz, Boston Beer và DoorDash đều dự kiến công bố báo cáo trong tuần này. Một số dữ liệu khác liên quan đến lạm phát ở Mỹ sẽ được công bố vào ngày thứ Tư, gồm doanh thu bán lẻ và lạm phát bán lẻ.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/