Chứng khoán Việt giai đoạn cuối năm nhìn từ các yếu tố then chốt?
Theo chuyên gia, 2 yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10 vừa qua là sự phục hồi của nền kinh tễ vĩ mô trong nước và thị trường tỷ giá. Trong đó, tỷ giá là một yếu tố then chốt có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán nói chung và tâm lý của nhà đầu tư trong, ngoài nước nói riêng.
Xung quanh diễn biến về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tháng 10 vừa qua cùng những dự báo cho tháng 11 này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Nam - Giám đốc đầu tư tại Art Investor.
*PV: Nhìn lại tháng 10 vừa qua, ông đánh giá đâu là những yếu tố quan trọng đã tác động đến TTCK Việt Nam? Theo ông, chúng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tháng 11 như thế nào?
Ông Vũ Đức Nam: Chúng ta đã bước sang những tháng cuối cùng của năm 2024, TTCK Việt Nam có ghi nhận đà tăng trưởng dù không quá mạnh mẽ. Tính từ đầu năm, VN-Index tăng khoảng 12%, diễn biến này gợi cho tôi cảm giác tương tự như năm 2019 khi chỉ số cũng gặp một số khó khăn tại các ngưỡng kháng cự, và chỉ những cổ phiếu được chọn lọc tốt mới mang lại suất sinh lời vượt trội. Điều này khẳng định rằng, dù là nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân, lựa chọn đúng vẫn có thể tạo ra mức lợi nhuận hấp dẫn hơn thị trường chung.
Dự báo cho 2 tháng cuối năm 2024, kỳ vọng nền kinh tế vĩ mô trong nước sẽ giữ được đà tăng trưởng như 10 tháng đầu năm, đặc biệt là sự phục hồi của tiêu dùng khi bước vào mùa mua sắm cuối năm. Về tỷ giá, sau khi tăng mạnh vào tháng 10, kỳ vọng các chính sách cắt giảm lãi suất của FED sẽ giúp hạ nhiệt tỷ giá trong thời gian tới. |
Trong suốt 10 tháng qua, tôi thấy có 2 yếu tố chính tác động đến TTCK Việt Nam.
Đầu tiên là sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô trong nước, thể hiện qua tăng trưởng GDP tích cực. Đặc biệt, khu vực sản xuất đã có những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào hoạt động xuất nhập khẩu và đạt thành tích xuất siêu ấn tượng.
Tuy nhiên, điểm trầm lắng là tiêu dùng nội địa, dù đã có sự phục hồi, nhưng mức tăng trưởng vẫn chưa đạt lại mức hai con số như trước năm 2020. Bên cạnh đó, ngành bất động sản dù đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng hoạt động vẫn chưa thực sự sôi động, doanh số bán hàng của các chủ đầu tư vẫn ở mức khiêm tốn.
Yếu tố thứ 2 ảnh hưởng đến thị trường là tỷ giá, chịu tác động từ cả yếu tố trong và ngoài nước, đặc biệt là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhu cầu ngoại tệ trong thương mại. Sự tăng mạnh của tỷ giá vào cuối quý I và đầu quý II đã tạo áp lực lên thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, khiến nhu cầu mua vào của họ giảm đi đáng kể.
PV: Theo ông, những yếu tố nào có thể tạo ra “bước ngoặt” lớn cho VN-Index trong tháng 11? Nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý và chiến lược ra sao để đón đầu các yếu tố này?
Ông Vũ Đức Nam: Tháng 11 sẽ diễn ra một sự kiện vô cùng quan trọng là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, nơi người dân Mỹ sẽ lựa chọn nhà lãnh đạo cho nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo. Kết quả cuộc bầu cử chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý từ thị trường tài chính toàn cầu, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đến chứng khoán Mỹ mà cả thị trường toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
Nhà đầu tư trong tháng 11 là nên tránh việc "FOMO" và mua đuổi những cổ phiếu có đà tăng giá nóng. Thay vào đó, ưu tiên những danh mục có hệ số an toàn cao, đồng thời tăng cường tỷ lệ tiền mặt để đảm bảo sự linh hoạt và sẵn sàng trước những biến động có thể xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2024. |
Bên cạnh đó, tháng 11 cũng là thời điểm nhà đầu tư đã tiếp nhận các báo cáo tài chính quý III, với mong đợi những doanh nghiệp có kết quả vượt trội và triển vọng kinh doanh tươi sáng cho quý IV/2024 và nửa đầu 2025.
Theo đánh giá của tôi, kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp không gây quá nhiều bất ngờ so với dự báo. Với mức định giá hiện tại của nhiều nhóm cổ phiếu, thị trường đang trong trạng thái ổn định nhưng thanh khoản chưa thực sự sôi động, khi khối lượng giao dịch khớp lệnh hàng ngày vẫn dưới ngưỡng 15.000 tỷ đồng/phiên.
PV: Đối với dòng vốn ngoại, ông có nhận thấy dấu hiệu tăng trưởng hay rút vốn nào đáng lưu ý trong thời gian tới? Điều này sẽ tác động ra sao đến VN-Index?
Ông Vũ Đức Nam: Như đã đề cập ở trên, tỷ giá năm 2024 là một yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK Việt Nam, đặc biệt là tâm lý và hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Với kỳ vọng rằng, tỷ giá sẽ ổn định hơn trong 2 tháng cuối năm nhờ những đợt điều chỉnh lãi suất tiếp theo từ FED và cán cân thương mại tích cực giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, khả năng mua ròng từ khối ngoại trong tháng 11 và tháng 12 có thể trở nên khả thi hơn.
Diễn biến VN-Index và thanh khoản thị trường ngày 1/11/2024. Nguồn: FiinTrade. |
Dù vậy, để khẳng định chắc chắn dòng vốn ngoại sẽ tăng mạnh vào cuối năm là điều khó dự đoán. Tuy nhiên, tôi tin rằng xu hướng dòng vốn ngoại quay trở lại Việt Nam sẽ chỉ là vấn đề thời gian, nếu không diễn ra ngay cuối năm nay thì có thể trong năm 2025.
Rõ ràng, khi dòng vốn ngoại quay trở lại mạnh mẽ, tác động tích cực đến chỉ số chứng khoán Việt Nam sẽ rất đáng kể. Ngược lại, nếu kỳ vọng này không đạt được thì ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường cũng sẽ không quá lớn. Bằng chứng là trong cả năm 2024, và trước đó là 2023, thị trường vẫn duy trì sự ổn định mặc dù chịu áp lực bán ròng liên tục từ khối ngoại, nhờ vào sự kiên trì và bền bỉ của nhà đầu tư trong nước.
Hiện nay, dòng vốn ngoại có vai trò như một lực đẩy để kích thích sự tham gia mạnh mẽ hơn từ nhà đầu tư trong nước, nhất là khi nguồn lực trong nước đang chịu một phần áp lực từ sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nội địa sẽ càng tạo thêm sức bật cho thị trường, đặc biệt khi các tín hiệu tích cực từ bên ngoài dần rõ nét hơn.
PV: Ông dự báo ra sao về xu hướng của VN-Index từ nay đến cuối năm 2024? Những kịch bản nào có khả năng xảy ra trong giai đoạn từ nay đến tháng 12 và ông có những lời khuyên như thế nào cho các nhà đầu tư?
Ông Vũ Đức Nam: Với tâm lý tích cực từ các nhà đầu tư, tôi kỳ vọng VN-Index có thể chinh phục ngưỡng 1.300 điểm và duy trì đà tăng trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào việc đạt ngưỡng này, điều quan trọng hơn là nhìn vào khả năng VN-Index ổn định trong biên độ 1.230 - 1.280 điểm. Một khung ổn định như vậy sẽ tạo điều kiện để thị trường tập trung vào việc chọn lọc vị thế cổ phiếu cụ thể cho danh mục đầu tư, thay vì chú trọng quá nhiều vào biến động của chỉ số.
Hiện tại, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên đánh giá lại hiệu quả kinh doanh của từng cổ phiếu trong danh mục sau báo cáo quý gần nhất. Nếu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn phù hợp với luận điểm đầu tư ban đầu, chúng ta có thể tiếp tục nắm giữ các vị thế hiện tại. Đối với những nhà đầu tư đang xem xét mua mới trong 2 tháng tới, cần xác định rõ ràng giữa chiến lược trung, dài hạn và ngắn hạn.
Nếu hướng đến mục tiêu đầu tư dài hạn, nên nhìn vào triển vọng kinh doanh ít nhất cho nửa đầu năm 2025 để đánh giá tiềm năng cổ phiếu. Còn với chiến lược linh hoạt ngắn hạn trong tháng 11 và 12, ưu tiên các câu chuyện tăng trưởng cụ thể của từng doanh nghiệp. Ở những vị thế ngắn hạn này, cần lưu ý đặt ngưỡng cắt lỗ và tỷ suất sinh lời phù hợp để tối ưu hóa lợi nhuận cho giai đoạn cuối năm 2024.
PV: Xin cảm ơn ông!
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững