Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
Sau hai phiên duy trì sắc xanh, chứng khoán trở lại trạng thái giằng co khi áp lực bán tăng lên. VN-Index chốt phiên 22/11 giảm nhẹ dưới tham chiếu khi nhóm vốn hóa lớn diễn biến phân hóa.
VN-Index về dưới tham chiếu cuối phiên
Sau hai phiên tăng hơn 23 điểm, VN-Index bước vào phiên giao dịch hôm nay với trạng thái thận trọng, khi lực mua có phần chững lại. Các nhóm ngành cổ phiếu chính giao dịch phân hóa ngay từ đầu giờ, với bên mua và bán có phần cân bằng.
VN-Index biến động rung lắc trong một vài nhịp và có đôi lúc bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, nỗ lực kéo giá xuất hiện vào cuối phiên sáng đã giúp chỉ số của sàn HoSE phục hồi. Giao dịch của khối ngoại là tâm điểm của thị trường khi áp lực đã giảm đi đáng kể so với phiên trước. Phiên sáng nay khối ngoại bán ròng chỉ khoảng 150 tỷ đồng.
Dù đa phần VN-Index giao dịch trong sắc xanh ở phiên hôm nay nhưng nhịp giảm từ giữa phiên chiều khiến chỉ số của sàn HoSE đóng cửa trong sắc đỏ. Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên, trong khi lực cầu yếu khiến đà tăng một số nhóm chủ chốt thu hẹp đáng kể. Tâm lý nhà đầu tư cũng tỏ ra rất thận trọng khi phiên chiều nay là thời điểm lượng hàng T+2 bắt đáy hôm 20/11 về tài khoản.
Diễn biến VN-Index phiên 22/11. |
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,23 điểm (-0,02%) xuống 1.228,1 điểm. Toàn sàn HoSE có đến 213 mã giảm trong khi có 151 mã tăng và 89 mã đứng giá. HNX-Index cũng giảm 0,47 điểm (-0,21%) xuống 221,29 điểm, với 88 mã giảm, 62 mã tăng và 61 mã đứng giá. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (0,22%) lên 91,7 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện so với phiên trước đó. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 534 triệu cổ phiếu (tăng 10,85%), tương ứng giá trị giao dịch đạt 12.758 tỷ đồng (tăng 5%). Giao dịch thỏa thuận trên HoSE phiên hôm nay tăng 36,5% lên mức 2.235 tỷ đồng. Giá trị giao dịch ở HNX tăng mạnh 44% lên 813 tỷ đồng, trong khi giảm 13,1% xuống 519 tỷ đồng ở UPCoM.
Cổ phiếu chứng khoán và bất động sản đối mặt với áp lực bán mạnh
Nhóm chứng khoán và bất động sản đối mặt với áp lực bán mạnh ở phiên hôm nay, trong khi nhóm vốn hóa lớn diễn biến phân hóa trong biên độ hẹp.
Ảnh: TL minh hoạ. |
Ở nhóm chứng khoán, SSI giảm hơn 1% và nằm trong top bán ròng của khối ngoại với quy mô hơn 100 tỷ đồng. Các mã chứng khoán khác như BSI, FTS, SHS, VND, HCM… đều chìm trong sắc đỏ. BSI giảm 1,6%, FTS mất 1,55%, VDS đóng cửa dưới tham chiếu 1,4%.
Tại nhóm bất động sản, nhiều mã ghi nhận mức giảm trên 2% như DXG mất 2,6%, NVL giảm 2,2%, CEO giảm 2,1%.
Trong nhóm VN30, sự phân hóa diễn ra rõ nét khi số mã tăng, giảm tương đương nhau. Trong đó, VHM gây áp lực lớn lên thị trường chung khi giảm gần 4%. Hôm qua, Vinhomes đã kết thúc việc mua lại cổ phiếu quỹ.
Trong toàn bộ giai đoạn đăng ký từ 23/10 đến 21/11, nhà phát triển bất động sản này đã mua tổng cộng 247 triệu cổ phiếu, tương đương 66,75% khối lượng đăng ký. Theo Luật Chứng khoán 2019, số cổ phiếu quỹ này sẽ phải hủy bỏ, giảm vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác như STB, GVR, VPB… cũng giảm giá khi đóng cửa và tạo áp lực lên thị trường chung. Ở hướng ngược lại, những cái tên như GAS, TCB, HPG, BID hay FPT giữ được sắc xanh và góp phần nâng đỡ thị trường chung. GAS tăng 1,47%, TCB có thêm 1,3%, HPG và BID vượt tham chiếu khi chốt phiên./.
Khối ngoại phiên 22/11 mua ròng trở lại 31 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE. Khối ngoại cũng mua ròng 7 tỷ đồng ở HNX nhưng bán ròng 6,5 tỷ đồng ở UPCoM. Trong đó, HDG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 242 tỷ đồng, TCB cũng được mua ròng hơn 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, SSI bị bán ròng với 106 tỷ đồng. VCB đứng sau với giá trị bán ròng là 82 tỷ đồng. HPG và VPB bị bán ròng lần lượt 58 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.
|
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững
- Cơ hội nào cho VN-Index trong giai đoạn cuối năm 2024?