Chuyện “đảo vốn” của nhà đầu tư chứng khoán
Năm qua, nhiều nhà đầu tư đã thực hiện đảo vốn một cách linh hoạt giữa hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Chốt chứng mua đất
“Việt Nam đã đi sau về trước khi kịp góp mặt trong top 6 nước có độ phủ vắc-xin hàng đầu thế giới. Ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội lại thông qua gói kích thích kinh tế. Cùng với một năm thắng lợi vừa qua, tôi khá tự tin cho năm 2022 ở cả hai mảng đầu tư bất động sản và chứng khoán”.
Năm 2022, cả thị trường bất động sản và chứng khoán được kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi lớn từ các yếu tố vĩ mô tích cực.
Đây là chia sẻ của nhà đầu tư Việt Hoàng cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về dự cảm thị trường năm 2022. Theo như anh Hoàng chia sẻ, năm 2022 sẽ là năm mà cả thị trường bất động sản và chứng khoán tiếp tục được hưởng lợi lớn từ các yếu tố vĩ mô tích cực.
Năm 2021, anh Hoàng đã kiếm được kha khá lợi nhuận sau hai con sóng ngân hàng và thép. Đến tháng 11, anh đã chốt lời và mua một lô đất nền ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có diện tích 3.000 m2, giá 1,8 triệu đồng/m2.
Anh Hoàng cho biết, sở dĩ anh chọn mua đất nền ở đây vì thị trường này chưa được nhiều nhà đầu tư để ý, mới bắt đầu có sóng do các môi giới nhỏ lẻ và sàn, do đó, mức giá, suất đầu tư còn rẻ và có tiềm năng tăng giá tốt.
Về thời điểm, anh Hoàng cho biết, việc chốt lời chứng khoán cuối năm để mua đất đã được anh thực hiện một vài lần, trường hợp thuận thì chỉ ra Tết (trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 6) là có thể bán và hưởng chênh lệch, nếu không, có thể cầm giữ trong dài hạn hơn, từ 1,5 - 2 năm.
Đảo vốn linh hoạt
Tương tự như anh Hoàng, chị Thúy (Hà Nội) là nhà đầu tư chuyên nghiệp cả ở hai thị trường chứng khoán và bất động sản, với số vốn lên đến cả trăm tỷ đồng. Đầu tháng 1/2022, chị đã trực tiếp vào Phú Quốc (Kiên Giang) để khảo sát một số dự án quan tâm. Phân khúc chị hướng đến là biệt thự nghỉ dưỡng.
Chia sẻ cùng phóng viên, chị Thúy cho biết, quan điểm đầu tư của chị cả ở hai thị trường bất động sản và chứng khoán đều rất nhất quán, chỉ đầu tư những sản phẩm có giá trị nhưng chưa tăng giá, hoặc tăng giá chưa nhiều.
Tiếp nữa, chỉ mua những sản phẩm khi đã tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, ban lãnh đạo, dự án. Cuối cùng, chỉ mua những sản phẩm mà chị sẵn sàng cầm giữ trong dài hạn.
Do đó, với bất động sản, nhà đầu tư này chỉ mua sản phẩm có pháp lý đầy đủ, chủ đầu tư uy tín, có khảo sát thực địa dự án và khu vực xung quanh để nắm bắt tiến độ, tiềm năng. Còn với cổ phiếu, khẩu vị của chị Thúy là những cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hóa lớn, có nhiều tài sản đảm bảo, có triển vọng về nguồn hàng, hoạt động của doanh nghiệp gắn với các yếu tố vĩ mô thuận lợi. Đặc biệt, phải là cổ phiếu đang được định giá thấp hoặc còn sở hữu tiềm năng tăng giá tốt.
“Tôi có gần 20 năm đầu tư cả ở hai thị trường này và dần dần, như một thói quen, tôi càng ngày càng chuyển dần về việc mua bất động sản và các cổ phiếu của ngành này, thay vì dàn trải như trước”, chị Thúy cho biết.
Riêng về việc bố trí dòng vốn, nhà đầu tư này bố trí nguồn vốn khá linh hoạt, có giai đoạn thị trường bất động sản tốt, tỷ lệ vốn dành cho bất động sản có thể lên đến 6/10 và ngược lại, như năm 2021, chị lại đẩy tỷ lệ vốn dành cho chứng khoán lên đến 6,5/10.
Nhà đầu tư này còn cho biết, trước khi đầu tư, phải dành nhiều thời gian quan sát xu hướng, phân tích doanh nghiệp, xu hướng chung của thị trường chứng khoán, địa ốc rồi mới ra quyết định và chọn thời điểm đầu tư. Điều này sẽ tránh việc bị cảm xúc chi phối và cuốn vào các con sóng ngắn hạn, nhiều rủi ro.
Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc di chuyển và tìm kiếm dự án, sản phẩm để đầu tư, trong số này, không ít nhà đầu tư đã chuyển vốn từ bất động sản sang chứng khoán.
Anh Huy, một môi giới bất động sản cho biết, năm qua, nhiều khách hàng của anh do bị gián đoạn trong việc tiếp xúc, xem dự án, nhất là các dự án đất nền nên đã chuyển kênh sang đầu tư chứng khoán, làm ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ giao dịch.
“Sau nhiều lần bị giãn cách và gặp cản trở trong việc đi lại xem dự án, nhiều khách quen của tôi đã chuyển tiền sang chứng khoán. Các nhà đầu tư khi chuyển vốn cũng vẫn giữ thói quen như khi đầu tư bất động sản, đó là đi theo nhóm, họ thường cùng mở tài khoản ở một công ty, cùng nhau tham gia các hội nhóm và thậm chí cả đầu tư cùng các mã cổ phiếu”, anh Huy cho biết.
“Bình thông nhau”
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán cho biết, hiện có không ít nhà đầu tư lựa chọn rổ danh mục là các cổ phiếu địa ốc, trong đó nhiều nhà đầu tư là người có kinh nghiệm cả ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản và việc sử dụng đồng vốn mang tính liên thông khá rõ rệt.
“Tôi biết có nhà đầu tư đã chốt lời cổ phiếu địa ốc cuối năm rồi và chuyển sang mua bán đất nền, điều này thường xảy ra với các nhà đầu tư có kinh nghiệm và có vốn tương đối lớn, từ vài tỷ đồng trở lên, bởi khác với chứng khoán, bất động sản đòi hỏi suất đầu tư lớn hơn nhiều”, chuyên gia này cho biết.
Lý giải thêm về việc nhà đầu tư đảo vốn giữa chứng khoán và địa ốc, chuyên gia này cho biết, phần lớn đây là các nhà đầu tư có kinh nghiệm, bởi với các nhà đầu tư này, họ đều biết rằng giá cổ phiếu địa ốc thường phản ánh trước từ 3 - 6 tháng so với diễn biến thị trường hoặc khi các thông tin được đưa ra rộng rãi.
Do đó, đến thời điểm xuất hiện các báo cáo tài chính, báo cáo quý, bán niên hay năm thì thường thông tin đã được thể hiện trên thị giá cổ phiếu từ trước. Khi báo cáo ra cũng là lúc động lực “kỳ vọng” không còn hoặc còn không đáng kể dẫn đến giá cổ phiếu có thể đi ngang, thậm chí giảm. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ canh thời điểm bán ra cổ phiếu và có thể chuyển vốn sang mua bất động sản.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, năm 2022, cổ phiếu địa ốc sẽ không còn duy trì được “phong độ” như năm 2021, bởi nhiều cổ phiếu đã được định giá quá cao, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó về dòng tiền triển khai dự án do chính sách siết tín dụng địa ốc. Đặc biệt, với việc từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng thương mại sẽ không được mua trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản để đảo nợ sẽ tác động mạnh đến triển vọng hoạt động kinh doanh của nhóm này.
“Rất có thể, sẽ có nhiều nhà đầu tư thực hiện đảo vốn, từ cổ phiếu bất động sản sang việc thoát hàng, chốt lời và đi mua đất”, vị chuyên gia này dự đoán.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-dao-von-cua-nha-dau-tu-chung-khoan-post290285.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại