Cổ phiếu khu công nghiệp 'nổi sóng' sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đồng loạt tăng khi ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử, nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang một số quốc gia, giai đoạn 2018-2023. Nguồn: PHS |
Cổ phiếu khu công nghiệp ‘nổi sóng’
Phiên giao dịch 6/11, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp là tâm điểm chú ý khi đồng loạt tăng vọt. Các mã nhóm này, như KBC, VGC, SZC hay SIP cùng được kéo lên mức giá trần, ở trạng thái “trắng bảng bên bán”. Lực mua tăng nhanh khi ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump chiếm ưu thế và giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6/11.
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép Theo Agriseco, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2016-2023 khoảng 5,63%, so với mức hơn 4% trong giai đoạn 8 năm trước đó. Năm 2023, vốn FDI thực hiện đạt hơn 23 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. |
Sự chú ý hướng tới nhóm cổ phiếu này, theo giới phân tích, nhờ kỳ vọng hưởng lợi với chính sách kinh tế phiên bản “Trump 2.0” của Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Theo nhóm phân tích từ Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco), chính sách áp thuế cứng rắn nhắm đến hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump, nếu thực hiện như cam kết khi tranh cử, có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi nước này diễn ra mạnh mẽ.
“Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trên” - nhóm phân tích dự báo.
Trong quá trình vận động tranh cử, đại diện Đảng Cộng hòa thể hiện quan điểm cứng rắn với hàng loạt chính sách bảo hộ thương mại. Ông Trump muốn áp thuế 10-20% với tất cả hàng hóa nhập vào nước này, riêng Trung Quốc có thể tới 60%. Điều này được giải thích sẽ bảo vệ việc làm và ngành công nghiệp Mỹ.
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 10% và 25% với nhôm và thép nhập khẩu. Ông phát động “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc từ năm 2018, áp thuế nhập khẩu tới 25% với 350 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.
“Việt Nam là số ít trong các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại ‘Trade war 1.0’ do Tổng thống Trump khởi sướng” - nhóm phân tích từ Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), nhận xét.
Doanh nghiệp hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển
“Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng trong xu hướng dịch chuyển trên khi nhiều doanh nghiệp lớn liên tục đầu tư và mở rộng sản xuất” - báo cáo của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên thị trường toàn cầu chậm lại do tăng trưởng suy giảm và môi trường lãi suất cao, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng trưởng.
Ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất là kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.
Tại miền Bắc, Viglacrea và Kinh Bắc ghi nhận quy mô tăng thu tăng trưởng hai chữ số những năm gần đây. Doanh thu của Viglacera từ ngưỡng quanh 8.000 tỷ đồng giai đoạn 2016-2018, tăng lên 10.000 - 11.000 tỷ đồng giai đoạn 2019-2021, trước khi đạt ngưỡng trên 13.000 tỷ đồng mỗi năm ở hiện tại.
Với Kinh Bắc, ghi nhận kết quả kinh doanh biến động mạnh, nhưng vẫn có những năm đạt kỷ lục. Như năm 2023, Kinh Bắc đạt doanh thu hơn 5.600 tỷ đồng, cao nhất từ khi niêm yết, dù trước đó một năm ghi nhận chỉ hơn 900 tỷ đồng, giảm tới gần 80% so với năm 2021.
Tại khu vực phía Nam, Becamex IDC, Idico, Sonadezi Châu Đức hay SIP cũng đạt mức tăng trưởng tương tự. Quy mô doanh thu của Idico tăng từ ngưỡng trên 4.000 tỷ đồng lên hơn 7.000 tỷ trong hai năm gần đây, Sonadezi Châu Đức đạt doanh thu trên 800 tỷ đồng trong năm gần nhất, so với mức 300 - 400 tỷ trước đó ba năm. SIP - doanh nghiệp đứng đầu về khu công nghiệp Tây Ninh - đạt doanh thu trên 6.000 tỷ đồng giai đoạn 2022-2023, so với mức 2.000 - 3.000 tỷ đồng giai đoạn 2017-2018.
Cần “chọn lọc” trong thu hút đầu tư
Dù đứng trước cơ hội, giới phân tích cũng thận trọng trong dự báo do lo ngại Chính phủ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể ra các chính sách bảo hộ với các quốc gia ngoài Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo giữa tháng 10 của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, nhiệm kỳ 2 của Trump có thể kéo tụt GDP một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam - các nước xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Theo đó, với kịch bản xấu nhất, GDP thực của ba nước này giảm ít nhất 1% so với dự báo hiện tại của Fitch.
“Chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể sẽ diễn ra nhanh hơn khi Mỹ áp đặt thuế cao lên các mặt hàng Trung Quốc và tập trung vào mục tiêu giảm phụ thuộc vào quốc gia này. Đánh đổi lại, Việt Nam sẽ gặp nhiều các rủi ro mà hiện tại vẫn đang phải đối mặt đó là các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước và các thỏa thuận thương mại khắt khe của Mỹ” - bà Bùi Thị Quỳnh Nga - Chuyên viên phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS) viết trong báo cáo gửi nhà đầu tư mới đây.
Đứng trước nguy cơ này, theo PHS, Việt Nam sẽ phải có chính sách, chọn lọc các nguồn vốn đầu tư một cách có hiệu quả. Lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, có vai trò lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, đóng góp cho nền kinh tế trong nước, thay vì “thu hút đầu tư bằng mọi giá”. Đồng thời, chuyên gia này cũng cho rằng Chính phủ cần tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đầu vào, đầu ra của các doanh nghiệp FDI để đảm bảo lợi ích bền vững./.
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững