Cổ phiếu than, thép, phân đạm đồng loạt tăng mạnh, dự báo còn tiếp tục
Đây là các nhóm ngành lội ngược dòng trong phiên giao dịch 28/2 với kỳ vọng chính sẽ được hưởng lợi khi giá hàng hoá tăng cao do ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga - Ukraina.
Điểm sáng và gây hứng khởi nhất phiên 28/2 có lẽ là cổ phiếu ngành thép – vốn dĩ có sự điều chỉnh và tích luỹ khá lâu thời gian qua. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này tăng kịch biên độ, đóng góp không nhỏ vào VN-Index, như HPG đóng cửa giá xanh 47.200 đồng/cổ phiếu, các cổ phiếu khác như NKG, HSG, TLH tăng trần, và nhiều cổ phiếu khác như TNS, TVN, VGS, TIS.
Tương tự, với nhóm cổ phiếu phân bón, như DPM, DCM, SFG đều đóng cửa sắc tím và nhiều cổ phiếu tăng mạnh như LAS, DDV, PMP… Nhóm cổ phiếu này vốn đã duy trì đà tăng khá tốt từ tuần trước.
Ở nhóm cổ phiếu ngành than cũng có diễn biến tăng mạnh, NBC, THT, TC6, TVD tăng trần…
Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí vẫn tiếp tục xanh mướt từ tuần trước tới nay- cũng là nhóm ngành được các chuyên gia dự báo sẽ hưởng lợi dài hạn hơn.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam nhận định, do lệnh cấm từ châu Âu và một số quốc gia khác đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Nga không thể hoạt động và cả vấn đề các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT khiến việc thanh toán, lưu chuyển dòng tiền bị đình trệ.
Trong khi đó, Nga là quốc gia xuất khẩu lớn phân đạm và thép vào thị trường châu Âu, nên việc cấm vận sẽ khiến giá cả các mặt hàng này tăng lên. Bản thân Nga cũng có các hành động như cấm cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) – nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón, khiến giá phân đạm trên toàn cầu gia tăng.
Tính riêng sản lượng xuất khẩu NH4NO3 của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn/năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới. Song song đó, nước xuất khẩu phân bón lớn khác là Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung nội địa.
Theo đó, nhiều nhà đầu tư cũng kỳ vọng các ngành này tại Việt Nam cũng hưởng lợi – trở thành động lực tăng giá chính của các nhóm ngành trên. Chẳng hạn, với ngành phân đạm, mới nhất, ngày 28/2, DPM công bố thông tin về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán khí năm 2020 đã ký với GAS, theo đó thời hạn hợp đồng được gia hạn từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Nhà đầu tư đón nhận thông tin này rất tích cực và kỳ vọng cổ phiếu nhóm này tiếp tục xanh tốt các phiên sau.
Các chuyên gia của CTCK VNDIRECT cũng cho rằng, giá dầu Brent có thể đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105- 110 USD/thùng. Sau đó, sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và OPEC.
Nga hiện là nước xuất khẩu phân đạm, NPK hàng đầu thế giới. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để phòng vệ, giá phân bón dự kiến tiếp tục leo thang trong năm 2022.
Việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ ít ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga hơn trường hợp của Iran, do thực tế là châu Âu chịu sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga. Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, cung cấp tới 35% nguồn cung cho khu vực này. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn (do biện pháp trả đũa của Nga) có thể gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế của châu Âu.
Theo các chuyên gia, với việc bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể sử dụng các công cụ truyền thống trước đây như điện thoại, máy điện tín, email để thực hiện giao dịch liên ngân hàng và có thể thúc đẩy Nga tham gia các nền tảng công nghệ khác, như Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) mà Trung Quốc xây dựng từ năm 2015.
VNDIRECT cho rằng, các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc chặn kết nối SWIFT của hệ thống tài chính Nga sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là các dự án điện và dầu khí. Theo tìm hiểu, dự án Nhiệt Điện Long Phú 1 (tổng công suất 1.200MW) do Power Machines (Nga) là tổng thầu đang chậm kế hoạch 2 năm do vướng lệnh cấm vận. Dự án điện khí Quảng Trị (340MW), mà Gazprom (Nga) tham gia đầu tư cũng đang chậm tiến độ 2 năm so với cam kết ban đầu.
Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (công suất 1.000MW) do liên doanh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions (Bỉ) đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 4/2021. Ngoại trừ dự án điện khí Quảng Trị, 2 dự án Long Phú 1 và Vĩnh Phong đều đã đưa được đưa vào Dự thảo Quy hoạch điện 8. Trong khi Vĩnh Phong vẫn chưa được khởi công thì dự án Long Phú 1 đang rơi vào “bế tắc” vì vẫn chưa thể lắp đặt thiết bị.
Ngoài ra, các đối tác Gazprom và Zarubezhneft cũng đang tham gia vào các dự án thăm dò dầu khí như Lô 129-132 (bể Nam Côn Sơn), dự án tích hợp phát triển mỏ Báo Vàng tại các Lô 111/04, 112, 113. Tuy nhiên theo đánh giá của VNDIRECT, những dự án này đều có quy mô nhỏ và đang dừng lại ở giai đoạn thăm dò tìm kiếm và chưa được triển khai tiếp. Do đó, việc ngưng trệ khai thác không ảnh hưởng nhiều đến quy mô của của ngành.
Với mặt bằng giá dầu được dự báo neo cao trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ngành thép, phân bón có thể được hưởng lợi từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, do Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, khiến giá bán neo cao và nhu cầu xuất khẩu gia tăng.
Riêng ngành y tế, là câu chuyện được cấp phép sản xuất và phân phối thuốc chứa hoạt chất Molnupivarir để điều trị Covid-19. Cụ thể, thuốc Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar (mã chứng khoán MKP) sản xuất. Còn nhà thuốc Long Châu của FPT Retail là đơn vị đầu tiên ký hợp đồng phân phối thuốc điều trị COVID-19 vừa được cấp phép khẩn cấp kể trên. Điều này khiến cổ phiếu MKP tăng trần nhiều phiên và hiện đang tạm nghỉ, còn với FRT cũng đóng cửa giá đỏ 122.300 đồng/cổ phiếu, nhưng ghi nhận mức tăng gần 40% chỉ trong 1 tháng gần nhất.
Chia sẻ góc nhìn về kênh đầu tư vàng giai đoạn hiện nay, VNDIRECT cho rằng, vàng vốn dĩ được coi là “tài sản trú ẩn an toàn” và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt. Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn. Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần.
"Chúng tôi cho rằng, đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi Fed đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022", các chuyên gia của VNDIRECT nhận định.
Theo TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-than-thep-phan-dam-dong-loat-tang-manh-du-bao-con-tiep-tuc-post292006.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại