Thị trường hấp dẫn nhờ định giá thấp

Đánh giá tổng quan về bức tranh toàn cảnh thị trường trong 2 tuần vừa qua, ông Đào Hồng Dương – Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, trong 2 tuần vừa qua, thị trường chứng khoán chịu tác động lớn từ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, khối ngoại quay lại xu hướng bán ròng, tương tự giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay với 2 tuần bán ròng khá mạnh. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tuần gần đây, áp lực bán từ khối ngoại bắt đầu giảm dần.

Điểm tích cực đáng ghi nhận là dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước đang thể hiện sự phân hóa và độc lập, không bị cuốn theo xu hướng của khối ngoại. Nhờ đó, thị trường có khả năng duy trì trạng thái cân bằng cung cầu tốt hơn.

Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
Diễn biến thị trường ngày 26/11 với sắc xanh bao phủ các chỉ số chính. Nguồn: CafeF.

Theo diễn biến thị trường, chỉ số VN-Index trong thời gian vừa qua tại nhiều phiên áp sát ngưỡng kháng cự 1.200 điểm đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ nhà đầu tư. Trong thời điểm đó, định giá P/E của thị trường dao động khoảng 12,6 đến 12,8 lần – một mức định giá khá hấp dẫn.

Theo chuyên gia từ VPS, ở thời điểm hiện tại, khi định giá của nhiều ngành nghề và cổ phiếu đã trở nên hấp dẫn, dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước sẽ đóng vai trò động lực quan trọng, giúp thị trường sớm thiết lập vùng ổn định.

Nhận định về mức định giá này, chuyên gia từ VPBankS cho biết, VPBankS đã tiến hành thống kê và so sánh dữ liệu trong 8 năm qua, bao gồm 19 ngành và chỉ số VN-Index, với các chỉ tiêu như P/E (tỷ lệ giá trên lợi nhuận) và P/B (tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách).

Kết quả cho thấy, hiện tại có khoảng 9/16 ngành cấp 2 đang có P/E thấp hơn mức bình quân của 8 năm qua. Trong đó, có 5 ngành có mức P/E gần chạm đáy của chu kỳ 8 năm. Đối với P/B, 14/16 ngành cấp 2 hiện đang ở dưới mức bình quân 8 năm và có 6 ngành gần chạm mức thấp nhất trong chu kỳ.

Cụ thể, P/B của VN-Index hiện ở mức 1,6 lần, trong khi mức thấp nhất trong 8 năm qua là 1,5 và mức bình quân là 2,2. Điều này cho thấy P/B của VN-Index đang ở gần khu vực đáy. Bên cạnh đó, P/E của VN-Index hiện dao động trong khoảng 12,6 - 12,8 lần, thấp hơn so với mức trung bình 8 năm, cho thấy thị trường đang ở mức giá tương đối thấp.

Dựa trên dữ liệu thống kê, nhiều ngành đang có mức định giá thấp so với lịch sử, như ngành thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản, bất động sản, dịch vụ công nghiệp, điện, nước, dầu khí, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Những ngành này đều có mức P/E và P/B dưới mức bình quân 8 năm, tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, mặc dù mức giá hiện tại thấp, điều quan trọng là cần đánh giá triển vọng của từng ngành trong tương lai. Nếu dự báo triển vọng tăng trưởng của một ngành vào năm 2025 tốt hơn so với năm 2024, và giá cổ phiếu có thể phục hồi về mức bình quân trong 10 năm qua, thì đầu tư vào các ngành này sẽ là cơ hội tốt.

Thị trường kỳ vọng nhờ nội lực

Về triển vọng của thị trường trong thời điểm cuối năm 2024 và tầm nhìn sang đến năm 2025, theo chuyên gia từ VPBankS, động lực lớn nhất cho sự kỳ vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán chính là những yếu tố nội tại của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm, đạt 6,8%, và kỳ vọng cả năm sẽ ở mức 7%, mở ra triển vọng lạc quan cho nền kinh tế trong năm tới. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 sẽ không thấp hơn năm 2024, tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường.

Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
Diễn biến chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần nhất. Nguồn: FiinTrade.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành như bán lẻ, du lịch và bất động sản, cũng củng cố thêm niềm tin vào sự phát triển của thị trường. Mặc dù một số ngành như bất động sản nhà ở vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng các tín hiệu tích cực từ nhiều ngành cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2024 và 2025.

Các nhóm ngành tiềm năng trong thời gian cuối năm và tầm nhìn đến năm 2025 gồm hoá chất, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở…

Thêm vào đó, chính sách vĩ mô cũng đóng vai trò quan trọng. Trước tình hình biến động quốc tế phức tạp, Chính phủ có thể sẽ tập trung hơn vào việc kích thích tiêu dùng và sản xuất trong nước, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho các ngành bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp và bất động sản.

Ngoài ra, việc nâng hạng thị trường chứng khoán cũng là yếu tố thu hút sự chú ý, khi mà thị trường đang được định giá khá hấp dẫn so với lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng, cũng không thể bỏ qua những rủi ro, đặc biệt là sự thay đổi trong chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Áp lực từ lạm phát và tỷ giá có thể ảnh hưởng đến lãi suất và các chính sách tiền tệ trong năm 2025, tạo ra những thách thức cho thị trường.

Tuy vậy, dù có những lo ngại, thị trường hiện đang phản ứng tích cực trước các biến động này. Khối ngoại đã giảm bớt bán ròng, và điều này tạo cơ hội cho sự phục hồi của thị trường. Nhìn chung, dù có những thách thức, nhưng với mức định giá hiện tại và triển vọng tăng trưởng trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn./.