Gia đình Fn: Tâm sự của F0 trong nhà
“Trong cuộc đời mẹ trên thị trường (chứng khoán), mẹ chỉ có được 3 cơ hội làm giàu năm 2009, 2018 và năm nay… Đi làm thuê lúc nào con cũng có cơ hội nhưng kiếm tiền thì không, con suy nghĩ nhé” - lời của mẹ tôi chia sẻ về cơ hội sóng 2020 - 2021.
Sau 4 năm du học Mỹ chuyên ngành xã hội học, tôi quyết định liều mình thử sức với một chuyên ngành hoàn mới mà trước đó không có tý kiến thức chuyên môn nào. Người ngoài gọi học sinh ngành này là F0.
Nghe không có mấy sáng lạn gì khi nhìn xung quanh các bạn tôi đều đang khoe những công việc mới tại những tập đoàn lớn tại Việt Nam, nhưng tôi quyết định tạm gác lại câu chuyện đi tìm công việc của sinh viên ra trường, xác định ở nhà “chơi chứng”.
Nhìn lại sau hơn một năm, có lẽ đây là quyết định đúng đắn nhất của tôi trong năm 2020 - 2021.
Để tôi kể lại hành trình làm F0 của mình nhé.
Lịch trình một ngày bắt đầu bằng việc kết nối bảng giá lên ti vi phòng khách (quên nhắc là cả nhà tôi đều tham gia thị trường chứng khoán, nên phòng khách khi dịch bệnh không được đón khách thì được chuyển thành phòng giao dịch).
Sau 3h chiều, tôi sẽ chạy tới các công ty chứng khoán, ngồi học cùng các anh chị phân tích và môi giới được mẹ tôi nhờ vả và đào tạo. Tối về đọc thêm tài liệu, tổng hợp tin tức và tiếp tục ngày hôm sau như vậy xuyên suốt một năm qua.
Sáng sớm sẽ được mẹ gọi dậy bằng một tin tức thị trường chứng khoán thế giới, các thông tin cập nhập tối qua, trên bàn ăn không có hôm nào chúng tôi không bàn về “chứng”. Trước khi đi ngủ sẽ ngồi thảo với Fn - luận về chứng. Gọi đúng là tôi được “tắm” trong môi trường chứng khoán trong suốt nhiều tháng qua.
Thời gian rảnh tôi đăng ký học thêm CFA, học thêm các khóa học của các chuyên gia trên thị trường. Được cái, tôi thấy thị trường càng lên thì càng nhiều chuyên gia mở lớp. Chưa biết họ đã lãi được bao nhiêu trên thị trường, nhưng chắc chắn là lãi từ những học viên như tôi đăng ký.
NKG - là mã đầu tiên được mẹ đưa vào đời, rón rén khởi điểm với 50 triệu (margin) tưởng chừng như đã quá nhiều. Chốt phiên ngày hôm đó tôi đã mua hết gấp 20 lần số tiền ban đầu. Full margin NKG giá 8.8, tôi giữ nguyên và chốt tại giá 24, với tỷ suất lợi nhuận đầu tư 600%.
Sử dụng sức mua của NKG, tôi mua tiếp các cổ phiếu chứng khoán nhỏ, như BSI, BVS, MBS. Sau khi hiện thực hóa, giá 3 cổ phiếu trên đều đã ít nhiều gấp đôi so với giá tôi mua khởi điểm. Đó là lúc tôi nhận cú “tát” đầu tiên của thị trường, VN-Index điều chỉnh gần 75 điểm vào tháng 1/2021.
Rất hay nghe từ mẹ tôi: “Khi sóng lên ai cũng là chuyên gia, khi sóng xuống mới biết ai không mặc quần” - và lúc đó tôi mới biết tôi thuộc nhóm chưa mặc quần!
Sau thời điểm chỉnh mạnh, tôi mới thấm thía bài học đầu tiên để hiểu được quản trị rủi ro, đó là lúc mất tiền. Rút kinh nghiệm và cải thiện khả năng quản trị rủi ro, phân tích kỹ càng, nhưng không đồng nghĩa là sợ, tôi vẫn phải liều full margin. Khoe tý cuối năm với số vốn 2 tỷ được mẹ gửi lúc đầu, tỷ suất lợi nhuận kha khá, khoảng 400%.
Hình ảnh nhà đầu tư chứng khoán thường được ví như một con bạc bị nhìn nhận tai tiếng suốt những năm trước đây, nhưng tại gia đình tôi, nó là chủ để gắn kết. Chỉ khi tham gia vào thị trường, tôi mới thực sự hiểu công việc của mẹ tôi là gì. Tôi đã có thể đóng góp ý kiến riêng của mình trên bàn ăn, nơi tôi thấy lạc lõng suốt bao năm qua lúc mọi người nói chuyện.
Cổ phiếu tím thì cả nhà đi ra nhà hàng khách sạn ăn mừng, cổ phiếu mà đỏ lâu quá thì lại ra khách sạn khuây khỏa và lình xình đi ngang thì tôi ra rửa rau nấu cơm. Dù mỗi thành viên trong gia đình chọn một cách đầu tư khác nhau, thì nhịp đập, tinh thần của thị trường luôn được phản ánh ngay trên bàn ăn gia đình.
Ai chọn đi làm trong năm qua, là một quyết định sai lầm. Đại dịch đã tạo một sự phân hóa rõ nét, trở lại một năm tôi có thể đã quyết định đi làm với lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng chưa tính kinh tế khó khăn, tiền lương sẽ bị ảnh hưởng do đại dịch. Bạn bè nay đã phải quay lại vay tôi khi công ty của họ không thể trả tiền lương do ảnh hưởng đại dịch.
Cùng một hoàn cảnh đó, tôi chọn một hướng đi khác là dành hết thời gian cho đầu tư, hoàn thành mức lợi nhuận đầu tư để tạo được tự chủ tài chính.
Dù thế tôi nhận thức được, thị trường sẽ khốc liệt hơn tôi từng trải nghiệm. Những lời dạy của Fn xung quanh tôi luôn là những lời cảnh giác, họ đã nhiều lần trên đỉnh cao và trở lại con số 0 chỉ trong thời gian ngắn.
Thời điểm VN-Index chạm 1.200 điểm, với tôi nó là một sự hào hứng, một sự kiện lịch sử, nhưng với mẹ nó là sự hoảng sợ sau 3 lần thất bại vượt đỉnh. Là một Fn, mẹ luôn kể về những thời kỳ khủng hoảng của mẹ khi chứng kiến những đợt sóng mạnh của thị trường, không phải ai cũng sẽ thắng. Những người Fn còn lại của thời kỳ mẹ nay đã gần như đều rời khỏi thị trường, họ đã không thể quay lại được sau khi chứng kiến những cảnh đó.
Các F0 ngoài kia liệu có đang hiểu, cơ hội không đến từ phím hàng 3 chữ cái là thắng?
Tư duy được đào tạo bài bản từ những bước đầu rất quan trọng, cần thời gian và công sức, trách nhiệm trên đồng tiền mình đầu tư cần được bổ trợ bởi kiến thức, cái mà gần như tất cả F0 như tôi đều đang thiếu.
Khi hỏi mẹ điều gì làm mẹ có thành công trên thị trường, bà trả lời: “ Mẹ thay đổi, và mẹ còn ở lại trên thị trường”. Chỉ cần còn ở lại với thị trường chứng khoán thì dù bao nhiêu thất bại vẫn sẽ có cơ hội để sửa chữa. Có lẽ đấy là cái khác giữa Fn và F0 như tôi. 2021 có thể là một trào lưu mở tài khoản, nhưng rồi sự kiên trì và bền bỉ qua các năm của các Fn còn lại mới thực sự là giá trị thực.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-dinh-fn-tam-su-cua-f0-trong-nha-post290450.html
- Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại