Giao dịch chứng khoán chiều 2/3: Dòng bank bị bán mạnh, VN-Index mất hơn 13 điểm
Sự khởi sắc của nhóm dầu khí không thể bù đắp cho đà bán mạnh từ nhóm ngân hàng khiến VN-Index có phiên giảm mạnh, thủng ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật phiên hôm nay.
Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc xung đột vũ trang với Ukraine đã tác động tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực, qua đó cũng tác động tới các nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhưng trái ngược nhau.
Theo đó, căng thẳng này đã khiến giá dầu thô liên tục tăng mạnh và thiết lập đỉnh nhiều năm, trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI đã tăng vọt lên trên ngưỡng 103 USD/thùng, vượt qua cả mức giá của dầu thô Brent.
Bất chấp việc các thành viên IEA đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu, nhưng giá dầu thô của Brent và WTI tiếp tục tăng hơn 6% trong phiên châu Âu hôm nay, lên mức trên 110 USD/thùng.
Điều này đã đã giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng điểm, đi ngược lại với xu hướng của thị trường trên phố Wall trong phiên giao dịch tối qua theo giờ Việt Nam. Tại thị trường trong nước, nhóm dầu khí trên sàn cũng có diễn biến tích cực với sắc xanh bao phủ cả nhóm này, ngoại trừ một vài mã bị chốt lời do đã có chuỗi tăng mạnh trước đó, nên quay đầu điều chỉnh.
Mặc dù vậy, hầu hết các mã trong nhóm này như GAS, PLX, OIL,... đều không có sức bật quá lớn trong phiên hôm nay do gặp khó ở vùng đỉnh cũ. Đáng chú ý nhất trong nhóm có lẽ là PVS đang có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng với mức tăng khoản 20% sau khi vượt hẳn lên mức giá đỉnh hơn 31.000 đồng/CP phiên 23/2.
Trong khi đó, với việc Mỹ và đồng minh loại Nga khỏi SWIFT đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm ngân hàng. Cùng với nhóm công nghệ, nhóm ngân hàng là nhóm giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên tối qua.
Tại thị trường Việt Nam, dòng bank trên sàn cũng không phải ngoại lệ khi bị bán ra rất mạnh trong phiên hôm nay, trong đó khối ngoại bán ròng lớn. Đây chính là nguyên do chính kéo VN-Index giảm hơn 13 điểm, phá vỡ ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật là đường MA50 ở vùng 1.489 điểm.
Việc dòng bank giảm đã ảnh hưởng tới một số nhóm ngành không có tin hỗ trợ khác như chứng khoán, càng gây thêm áp lực cho thị trường.
Tuy nhiên, vùng 1.480 điểm đã phát huy tốt vai trò là vùng hỗ trợ mạnh cho thị trường khi một lần nữa VN-Index bật trở lại khi lùi về vùng giá này trong phiên chiều này, giống như những gì diễn ra cuối phiên sáng.
Chốt phiên, VN-Index giảm 13,26 điểm (-0,88%), xuống 1.485,52 điểm với 137 mã tăng (13 mã trần, nhiều hơn 5 mã so với phiên sáng), số mã giảm ít hơn 21 mã, còn 319 mã giảm (4 mã sàn, ít hơn 3 mã so với phiên sáng) và 52 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 941,6 tỷ đồng, tổng giá trị 30.326,6 tỷ đồng, tăng 11,8% về khối lượng và 15,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp 26,6 triệu đơn vị, giá trị 995 tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, nhóm ngân hàng chính là một trong các nhóm tiêu cực nhất trong phiên chiều nay, nhưng tích cực hơn phiên sáng, đóng cửa phiên chiều nay không phải toàn sắc đỏ, mà SSB lại bất ngờ lội ngược dòng để đóng cửa tăng 2,4% lên 37.800 đồng, còn anh cả VCB cũng về tham chiếu 85.000 đồng.
Ngoài 2 điểm sáng hiếm hoi này, toàn bộ còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó các mã lớn giảm khá sâu như BID giảm 3,8% xuống 42.450 đồng, TCB giảm 2,2% xuống 49.200 đồng, VPB giảm 3,3% xuống 36.500 đồng, CTG giảm 3,9% xuống 32.000 đồng, MBB thậm chí còn giảm 4,4% xuống 32.500 đồng, ACB giảm 2,8% xuống 32.900 đồng, VIB giảm 2,6% xuống 45.800 đồng, TPB giảm 3,2% xuống 41.450 đồng, STB giảm 4,3% xuống 31.250 đồng, SHB giảm 2,3% xuống 21.000 đồng, HDB giảm 4,2% xuống 27.350 đồng, giảm mạnh nhất là EIB giảm 5,5% xuống 32.000 đồng.
Ngoài ra, MSB giảm 3,8% xuống 25.500 đồng, OCB giảm 1,9% xuống 26.000 đồng, LPB giảm 3,4% xuống 21.500 đồng.
Tuy lực bán ra lớn, nhất là từ khối ngoại, nhưng lực cầu tích luỹ từ nhà đầu tư trong nước cũng lớn giúp thanh khoản của nhóm này cao nhất thị trường. Trong top 10 về thanh khoản trên HOSE, có tới 6 mã ngân hàng, trong đó đứng đầu là MBB với 51,6 triệu đơn vị, tiếp đến là STB 45,3 triệu đơn vị, VPB 29,1 triệu đơn vị. CTG đứng thứ 6 với 20,4 triệu đơn vị sau HAG và GEX. Xen kẽ giữa HPG và FLC có TCB với 17,9 triệu đơn vị, tiếp đó là LPB với 16,8 triệu đơn vị.
Nhóm công ty chứng khoán thậm chí còn toàn sắc đỏ, giống như phiên sáng, trong đó có 2 mã giảm trên 3,3% là BSI và VND; 5 mã giảm trên 2%, trong đó có SSI (-2,6% xuống 44.800 đồng) và HCM (-2,1% xuống 37.100 đồng).
Trong nhóm bất động sản, ngoài SZL có thêm 1 sắc tím nữa là CCL khi chốt phiên chiều nay. Ngoài ra, PDR cũng tăng mạnh 3,2% lên 87.200 đồng, NVL hạ bớt độ cao, chỉ còn tăng 1,3%, trong khi KDH đảo chiều giảm nhẹ.
Số tăng còn có QCG tăng 2,6% lên 13.850 đồng, BCM tăng 2,1% lên 78.500 đồng, VRC tăng 2,9% lên 35.000 đồng...
Trong khi số mã giảm đã nhiều hơn, nhưng may mắn cho VN-Index là VIC chỉ còn giảm nhẹ 0,4% xuống 78.900 đồng, so với mức giảm 1,5% của phiên sáng. VHM cũng chỉ còn giảm 0,7% xuống 77.500 đồng.
Nhóm dầu khí vẫn duy trì phong độ cùng với giá dầu thô. Trong đó, PVD tăng 4% lên 36.300 đồng, GAS tăng 1,3% lên 119.200 đồng, PLX tăng 0,3% lên 61.500 đồng, tất cả đều tốt hơn phiên sáng.
Nhóm thép có thêm 2 mã nữa đảo chiều tăng là HSG, TLH, cùng với 3 mã của phiên sáng là DTL (tăng trần) và TNA, NKG; HPG cũng trở lại tham chiếu tăng ở mức khiêm tốn, cùng HSG, SMC đứng giá tham chiếu, còn lại giảm, nhưng mức giảm không lớn.
Ở nhóm vừa và nhỏ, tương quan cung cầu của HAG trong phiên chiều tỏ ra cân bằng nên mức giá không thay đổi so với phiên sáng, đóng cửa vẫn tăng 2,7% lên 11.250 đồng, thanh khoản 23,8 triệu đơn vị. TSC thì tích cực hơn về giá khi đóng cửa tăng 4,3% lên 22.000 đồng, mức cao nhất ngày, khớp 13,8 triệu đơn vị. TTF cũng giao dịch tích cực khi đóng cửa tăng 5,4% lên 15.750 đồng, khớp 15,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, OCG vẫn giữ sắc tím 10.750 đồng, khớp 5,8 triệu đơn vị và dư mua trần tăng lên tới gần 10 triệu đơn vị.
Các mã khác, trong khi DLG, SCR, HNG, DIG, VOS... tăng không quá lớn, FLC, POW đứng giá tham chiếu, thì đa số phần còn lại giảm.
Trên sàn HNX, sự khởi sắc của nhóm dầu khí giúp HNX-Index hồi trở lại tham chiếu, nhưng lực bán từ nhóm chứng khoán, ngân hàng, cùng CEO khiến chỉ số này quay đầu giảm trở lại và đóng cửa vẫn trong sắc đỏ, dù không mạnh như phiên sáng.
Về tổng thể, thị trường hiện tại đang hình thành xu hướng đi ngang tích lũy trong biên độ hẹp. Trên đồ thị kỹ thuật, dải Bolliger Bands đang co hẹp và đi ngang cho thấy khả năng tăng hay giảm điểm mạnh trong ngắn hạn khó xảy ra, VN-Index hôm nay xuyên ngưỡng hỗ trợ là đường MA50 và ngưỡng hỗ trợ mới sẽ là đường MA100 ở khu vực 1.466 điểm, đây là đường hỗ trợ thành công cho chỉ số khi thị trường có đợt sụt mạnh giữa tháng 1. Mặc dù vậy có những tín hiệu không tích cực với đường MACD, RSI khi chuyển trang thái cắt xuống cho thấy động lực tăng điểm đã khá yếu.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,31 điểm (-0,30%), xuống 442,25 điểm với 102 mã tăng (9 mã trần, nhiều hơn 4 mã), trong khi có 133 mã giảm, giảm 19 mã so với phiên sáng, chỉ 2 mã giảm sàn, nhưng giao dịch quá ít. Tổng khối lượng giao dịch đạt 109,9 triệu đơn vị, giá trị 3.498,7 tỷ đồng, giảm 9,5% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó giao dịch thoả thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị 119,9 tỷ đồng.
Cũng như nhiều mã trong ngành khác, PVS cũng nới rộng đà tăng trong phiên chiều khi đóng cửa tăng 6,6% lên 37.300 đồng, khớp 14,5 triệu đơn vị, đứng đầu sàn. PVC thậm chí đã trở lại mức trần 24.800 đồng, khớp 2,55 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Ngoài ra, HNX-Index còn có sự hỗ trợ của IDC với mức tăng 1,5% lên 75.500 đồng, khớp 4,8 triệu đơn vị. HUT với mức tăng 1,4% lên 28.900 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã lớn ngân hàng, bất động sản, chứng khoán lớn đều đua nhau giảm giá. Trong đó, SHS giảm 2,7% xuống 43.300 đồng, khớp 6,6 triệu đơn vị; CEO giảm 2,5% xuống 70.000 đồng, khớp 6 triệu đơn vị; VCS giảm 1,31% xuống 105.600 đồng; MBS giảm 1,1% xuống 37.300 đồng, khớp 1,45 triệu đơn vị...
Trong nhóm chứng khoán, ngoại trừ BVS lại bất ngờ đi ngược với mức tăng mạnh 8,1% lên 41.400 đồng, khớp 1,83 triệu đơn vị.
UPCoM sau khi hồi phục trở lại đầu phiên chiều đã quay đầu tạo đáy luôn của ngày trước khi kịp trở lại hãm đà giảm vào cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,51%), xuống 111,8 điểm với 163 mã tăng, 150 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,6 triệu đơn vị, giá trị 1.625 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận đóng góp 9,3 triệu đơn vị, giá trị 213,6 tỷ đồng và đều là trong phiên sáng.
Nhóm dầu khí vẫn là nhóm đóng vai trò hãm phanh với BSR tăng 2,9% lên 28.600 đồng, khớp hơn 14,74 triệu đơn vị. Tiếp theo là OIL tăng 3,0% lên 20.500 đồng, khớp 5,08 triệu đơn vị.
Trong khi đó, VGT giảm 3% xuống 25.900 đồng, khớp 4,9 triệu đơn vị, BVB giảm 2,5% xuống 19.900 đồng, khớp 4,47 triệu đơn vị...
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở, nhưng thấp hơn. Cụ thể, VN30-Index giảm 21,51 điểm (-1,42%), xuống 1.498,61 điểm, trong khi hợp đồng giao tháng 3 giảm 13,6 điểm (-0,9%), xuống 1.502 điểm với 168.709 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.703 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao trùm, chỉ có 11 mã tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là CMSN2107 do VCSC phát hành tăng 53,8% lên 3.000 đồng, nhưng thanh khoản chỉ 3.300 đơn vị. Ở chiều ngược lại, CHPG2113 do HSC phát hành là mã giảm mạnh nhất khi giảm kịch biên độ cho phép 75% xuống còn 10 đồng, thanh khoản 925.100 đơn vị.
Phiên hôm nay có 3 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị đều do HSC phát hành là CMBB2107 và CVHM2110. Ngoài ra, 4 mã có thanh khoản kế tiếp với thanh khoản trên 1,7 triệu đơn vị cũng đều do HSC phát hành. Trong đó, chỉ có CHPG2203 đứng ở giá tham chiếu, còn lại đều giảm mạnh.
Theo TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-2-3-dong-bank-bi-ban-manh-vn-index-mat-hon-13-diem-post292122.html
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán