Giao dịch chứng khoán chiều 5/1: Bluechip bị chốt lời, cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn nóng

Thứ tư, ngày 5 tháng 1 năm 2022 | 16:6

Áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu trụ khiến VN-Index quay đầu lao mạnh từ đỉnh 1.535 điểm, với sắc đỏ nhiều dần dần lên và chiếm ưu thế so với sắc xanh. Tuy nhiên, sức nóng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ không hề giảm, thậm chí sắc tím còn nhiều hơn phiên sáng.

Giao dịch chứng khoán chiều 5/1: Bluechip bị chốt lời, cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn nóng Trong phiên sáng, áp lực chốt lời ở vùng đỉnh mới 1.535 điểm khiến VN-Index rung lắc, nhưng tâm lý FOMO (sợ mất cơ hội), đã kích hoạt dòng tiền chảy mạnh, hấp thụ tốt lượng cung chốt lời, kéo VN-Index trở lại với thanh khoản tăng mạnh so với sáng qua.

Bước vào phiên chiều, lực cầu mua đuổi cuối phiên sáng còn lại giúp VN-Index nới rộng đà tăng và trở lại ngưỡng 1.535 điểm, thậm chí xác lập mức đỉnh của ngày ở 1.535,82 điểm. Tuy nhiên, lực cung chốt lời sau đó gia tăng, nhất là ở nhóm cổ phiếu trụ và VN30, đã đẩy VN-Index lao thẳng đứng, trong 1 tiếng đồng, chỉ số mất hơn 12 điểm, từ mức đỉnh của ngày xuống dưới tham chiếu, dù lực cầu gia tăng giúp chỉ số nỗ lực trở lại, nhưng lực bán mạnh sau đó, nhất là ở đợt ATC khiến VN-Index đóng cửa ở mức đáy của ngày dưới 1.523 điểm.

Sắc sắc từ chỗ chiếm ưu thế trong phiên sáng, đã bị thay thế dần bởi sắc đỏ. Tuy nhiên, cú trượt dốc của VN-Index này xuất phát chính từ nhóm VN30 khi nhiều mã trong nhóm này bị chốt lời và quay đầu giảm mạnh khiến VN30-Index cũng có cú rơi mạnh và đóng cửa ở mức đáy của ngày.

Trong khi đó, dù sắc xanh ít hơn, nhưng sắc tím lại nhiều hơn phiên sáng tới 14 mã, lên tới 34 mã tăng trần khi đóng cửa phiên chiều.

Dù biết rằng, việc cả VN30 và VN-Index có chuỗi ngày tăng mạnh, vượt ra ngoài dải trên của bolliger band, nhất là VN-Index thiết lập đỉnh cao lịch sử mới và tạo 1 gap khá lớn hôm qua, thì các chỉ số này điều chỉnh trở lại là điều tất yếu và dễ hiểu, nhưng cách lên nhanh thắng gấp như phiên chiều nay cũng khiến không ít nhà đầu tư phải giật mình. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây là chiêu của các tay to đẩy xuống để gom lại sau khi đã chốt thành công giá cao trong phiên sáng.

Tuy vậy, đây chỉ là suy đoán, bởi thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cho thấy, nhiều tay to đã bị mất hàng vào tay F0 với những chiêu như vậy, nên sẽ không dám mạo hiểm dùng lại bài cũ. Nhiều khả năng, đây chỉ là hoạt động chốt lời ngắn hạn thuần túy khi VN-Index liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, VN30-Index cũng có chuỗi hồi phục mạnh từ vùng 1.470 điểm lên 1.560 điểm, vượt qua dải trên bolliger band.

Dù thế nào, diễn biến phiên hôm nay cũng mang lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư và dù lên hay xuống, thị trường luôn có lý và vẻ đẹp riêng của mình.

Chốt phiên, VN-Index giảm 3,08 điểm (-0,20%), xuống 1.522,5 điểm với 221 mã tăng, trong khi số mã giảm lên 240 mã giảm và 43 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.058,5 triệu đơn vị, giá trị 32.955,7 tỷ đồng, tăng 18,8% về khối lượng và 15,2% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 71,4 triệu đơn vị, giá trị 2.337,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, VN30-Index giảm tới 12,86 điểm (-0,82%), xuống 1.546,01 điểm với 10 mã tăng, trong khi có tới 19 mã giảm và 1 mã đứng giá. Trên đồ thị ngày, VN30-Index tạo mẫu hình cây nến đỏ sau 3 phiên và trở lại trong dải bolliger.

Trong các nhóm ngành đáng chú ý, dòng ngân hàng với rất nhiều kỳ vọng sẽ trở lại thay thế nhóm bất động sản dẫn dắt thị trường thiết lập các đỉnh cao mới sau hơn 4 tháng ẩn mình, vẫn gây thất vọng và chưa thể hút được dòng tiền.

VCB từ mức tăng mạnh nhất nhóm và đóng góp nhiều điểm thứ 2 cho VN-Index trong phiên sáng, đã bị bán mạnh trong phiên chiều, nhất là khi chạm ngưỡng trên của dải bolliger band, đóng cửa giảm 1,27% xuống 78.000 đồng, lấy đi điểm số nhiều thứ 3 của VN-Index, sau cặp đôi VIC - VHM.

Từ 5 sắc xanh, chốt phiên chiều nay, nhóm ngân hàng chỉ còn 2 sắc xanh le lói tại EIB và STB, cùng CTG đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, có 3 mã giảm hơn 2% là ACB (-2,03% xuống 33.700 đồng), SHB (-2,22% xuống 22.000 đồng) và MSB (-2,46% xuống 27.700 đồng). Bên cạnh đó, có 7 mã giảm hơn 1%, ngoài VCB còn có HDB (-1,93% xuống 30.500 đồng), TPB (-1,75% xuống 42.000 đồng), OCB (-1,61% xuống 27.500 đồng), VPB (-1,53% xuống 35.500 đồng), MBB (-1,37% xuống 28.700 đồng)…

Nhóm công ty chứng khoán, được xem là nhóm được hưởng lợi lớn từ việc thanh khoản và thị trường tăng mạnh trong quý IV cũng không thể bứt lên để trở về vùng đỉnh cũ, nhiều mã lớn trong nhóm này chỉ loanh quanh sát trên đường MA20.

Nhóm thép cũng chung cảnh ngộ khi chưa thể tìm lại những ngày vinh quang, chỉ hồi nhẹ được một vài phiên lại nhanh chóng quay đầu giảm. HPG dù có sắc xanh nhạt hôm nay và vẫn đóng cửa trên đường MA20, nhưng sau khi vượt qua đường trung bình này, HPG dường như bị kẹt ở đây, vùng kháng cự 48.000 đồng vùng kháng cự khó với cổ phiếu này.

Tương tự, NKG dù đã vượt qua đường MA20, nhưng có diễn biến khá giống với HPG và mức 41.000 đồng xem ra vẫn là vùng kháng cự khó với cổ phiếu này. Trong khi đó, dù tích cực hơn, nhưng HSG vẫn gặp khó ở vùng kháng cự 38.000 đồng.

Trong khi đó, dù được xem là đã rất nóng với mức tăng của nhiều mã gấp 5 - 6 lần, nhưng nhóm bất động sản vẫn chưa hề hạ nhiệt. Nhiều mã bị chốt lời, nhưng rất nhanh chóng đã trở lại đường đua để thiết lập các đỉnh cao mới khi dòng tiền chảy vào rất mạnh.

Sắc tím xuất hiện ở hàng loạt mã như DRH, DIG, LDG, QCG, VPH, NVT, đặc biệt cặp đôi cổ phiếu họ FLC là FLC và ROS cũng tham gia vào “câu lạc bộ tím” chiều nay với thanh khoản rất mạnh, dẫn đầu thị trường. Trong đó, ROS khớp 46,5 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 14.900 đồng; FLC khớp 40,9 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 20.000 đồng, thậm chí còn dư mua trần tới 12,5 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, VRC là mã giảm sàn xuống 26.900 đồng, CCI cũng quay đầu giảm mạnh 6,08% xuống 24.700 đồng…

Ngoài ra, 2 ông lớn VIC và VHM quay đầu giảm lần lượt 1% xuống 100.000 đồng và 1,3% xuống 84.000 đồng sau 2 phiên khởi sắc hôm qua, cùng với MSN, VCB là 4 cổ phiếu lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index hôm nay,

Bù lại, “người em” VRE thay thế khi duy trì đà tăng trần lên 33.300 đồng, khớp 10,8 triệu đơn vị, còn dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị. VRE gần như án binh trong phiên chiều do không có lực cung.

Trong nhóm VN30, ngoài VRE, còn có GAS tăng mạnh 3% lên 105.000 đồng; KDH và GVR tăng hơn 2%; POW hạ nhiệt chỉ còn tăng 1,6% lên 19.000 đồng. SAB và STB tăng hơn 1%, còn sắc xanh nhạt tại FPT, HPG và NVL. Trong khi đó, MSN là mã giảm mạnh nhất khi mất 5,3% xuống 161.000 đồng, lấy đi của VN-Index hơn 2,7 điểm.

Ở các mã khác, họ FLC ngoài 2 cổ phiếu FLC và ROS, còn có các mã khác tăng tốt như AMD tăng 4,19% lên 8.960 đồng, HAI tăng 3,73% lên 8.610 đồng.

Không chỉ FLC, cặp đôi HAG và HNG cũng có phiên giao dịch rực sáng khi cùng đóng cửa ở mức trần 13.900 đồng và 13.300 đồng, khớp gần 33 triệu đơn vị và 24,5 triệu đơn vị.

Ngoài các mã trên, còn có hàng loạt mã cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ khác tăng trần với dư mua trần lớn hôm nay như TTF, JVC, FCN, ASM, UDC, VHC, APC…

Trong khi đó, trên sàn HNX, sau khi lỡ nhịp phiên hôm qua, các cổ phiếu trên sàn này mới bắt nhịp năm mới trong phiên hôm nay, nên hoạt động chốt lời trên HOSE không gây ảnh hưởng tới sàn HNX khi chỉ số này duy trì đà tăng mạnh và đóng cửa cao hơn phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 6,26 điểm (+1,32%) lên 480,36 điểm với 111 mã tăng (19 mã trần) và 130 mã giảm (1 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 137,7 triệu đơn vị, giá trị 4.056,5 tỷ đồng, tăng 37,7% về khối lượng và 41% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,1 triệu đơn vị, giá trị 135,6 tỷ đồng.

CEO tiếp tục là điểm nhấn trên sàn này với mức tăng trần lên 85.600 đồng, khớp 6,62 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. Các mã lớn trên sàn này đều tăng tốt, trong đó KSF tăng 3,38% lên 79.600 đồng, THD tăng 0,57% lên 264.700 đồng. NVB cũng tăng vọt kịch trần 10% lên 36.300 đồng, khớp 1,14 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHS hãm đà tăng khi đóng cửa chỉ còn tăng 1,16% lên 52.200 đồng, khớp 10,69 triệu đơn vị, nhưng không còn đứng đầu về thanh khoản, mà lại nhường lại vị trí này cho KLF với 11,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,6% lên 8.600 đồng.

PVS cũng không còn giữ được sắc xanh khi đóng cửa ở mức tham chiếu 28.200 đồng, khớp 9,95 triệu đơn vị; MBS cũng chỉ còn tăng 0,5% lên 41.000 đồng, khớp 2,66 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác có PVL duy trì mức tăng trần lên 17.800 đồng, khớp gần 4,18 triệu đơn vị, GKM cũng duy trì đà tăng trần lên 50.600 đồng, khớp hơn 1,06 triệu đơn vị, cả 2 đều dư mua trần.

Trên UPCoM, sau khi giằng co nhẹ quanh tham chiếu phiên sáng, đã bứt mạnh trong phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,48%) lên 114,26 điểm với 210 mã tăng (25 mã trần) và 147 mã giảm (7 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 118,6 triệu đơn vị, giá trị 2.774 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 96,8 tỷ đồng.

Các mã thanh khoản nhất trên thị trường này trong phiên sáng vẫn duy trì trong phiên chiều cả thanh khoản và giá. Trong đó, HHV đứng đầu thanh khoản với 17,94 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,6% lên 28.100 đồng. Tiếp đến là VGT tăng 5,2% lên 28.500 đồng, khớp 10,53 triệu đơn vị. BSR tăng 0,8% lên 23.900 đồng, khớp 9,97 triệu đơn vị. VHG tăng 7,4% lên 10.200 đồng, khớp 8,7 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở, nhưng mức giảm nhẹ hơn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 1 giảm 9,5 điểm (-0,61%) xuống 1.549 điểm với 81.531 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 30.402 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế so với sắc xanh, trong đó có 2 mã giảm hơn 50% là CHPG2109 do VCSC phát hành giảm 57,1% xuống 30 đồng, thanh khoản 833.500 đơn vị; CVNM2110 do MBS phát hành giảm 50% xuống 30 đồng, thanh khoản 139.300 đơn vị.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, có 2 mã tăng hơn gấp đôi là CVIC2104 do HSC phát hành tăng 100% lên 40 đồng, thanh khoản 782.900 đơn vị và CVRE2111 do VND phát hành tăng 106,4% lên 970 đồng, thanh khoản 421.700 đơn vị.

Về thanh khoản, CVRE2109 do HSC phát hành là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 2,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 42,2% lên 1.550 đồng. Ngoài ra, còn có 6 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 4 mã do KIS phát hành, 2 mã còn lại do HSC và ACBS phát hành, chủ yếu là chứng quyền cơ sở của VRE và STB, cùng 1 mã của HPG.

Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn

https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-5-1-bluechip-bi-chot-loi-co-phieu-vua-va-nho-van-nong-post288796.html